Luận bàn về chủ đề trên tại Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục 2024" do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức - với sự đồng hành của TH School và Tập đoàn TH, PGS.TS Ngô Tuyết Mai (Đại học Flinders, Úc) đã trình bày những giải pháp thực tiễn, nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục cả trí tuệ và cảm xúc trong hành trình xây dựng một môi trường giáo dục an lành, hạnh phúc.
Đào tạo trí tuệ và cảm xúc - Chìa khóa của hạnh phúc trong trường học
Trả lời câu hỏi vì sao cảm xúc quan trọng trong giáo dục, PGS.TS Mai gợi dẫn câu nói nổi tiếng của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle: "Đào tạo trí óc mà không đào tạo trái tim thì không gọi là giáo dục". Giáo dục cảm xúc vừa giúp học sinh phát triển toàn diện, vừa mở ra cơ hội khám phá tiềm năng bên trong mỗi người.
Song thực tế cho thấy đa phần các trường học ở Việt Nam vẫn chú trọng giáo dục trí tuệ hơn cảm xúc. Hệ quả là, "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - khẩu hiệu phản ánh khát vọng biến việc đến trường là trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh, đang tồn tại như một khẩu hiệu mà dường như chưa được thực hành đúng nghĩa. Giáo viên hầu hết chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn, học sinh bị áp lực về điểm số, còn phụ huynh căng thẳng, mệt mỏi vì thành tích của con.
PGS. TS. Ngô Tuyết Mai chia sẻ tại Hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục 2024"
Vậy làm thế nào để học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả các lãnh đạo có một ngày vui ở trường?
Theo PGS.TS Ngô Tuyết Mai, câu trả lời là đào tạo trí óc và cảm xúc. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, động lực và thành tích học tập tỷ lệ thuận với hạnh phúc trong trường học. Hạnh phúc đóng vai trò quan trọng trong việc học tập hiệu quả. Vậy nên, việc giáo dục cả trái tim và khối óc là điều cần thiết để nuôi dưỡng đam mê học tập bền vững cùng với các kỹ năng xã hội, cảm xúc và học thuật vững chắc cho học sinh.
Để làm được điều đó, giảng viên Đại học Flinders gợi ý các trường học tại Việt Nam có thể áp dụng mô hình PERMA - mô hình đã giúp nhiều trường học tại Úc đạt được hạnh phúc. Được phát triển bởi GS Martin Seligman - chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục người Mỹ, mô hình PERMA dựa trên 5 trụ cột chính: Cảm xúc tích cực - Sự thu hút - Kết nối các mối quan hệ - Ý nghĩa - Thành tựu. Cụ thể:
Cảm xúc tích cực (Positive emotion): Hạnh phúc bắt đầu bằng những cảm xúc tích cực và giáo viên có thể khơi dậy cảm xúc tích cực bằng cách tạo ra bầu không khí thoải mái, sôi nổi, ví dụ như kết hợp học và chơi trong các tiết học.
Sự thu hút (Engagement): Chúng ta thường bị thu hút bởi những thứ thú vị và học sinh cũng vậy, các em chỉ thực sự học khi thấy hứng thú. Và "trò chơi" nhập vai khi học môn Văn, làm mô hình sáng tạo trong tiết Khoa học chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với việc chỉ nghe thầy cô giảng bài.
Kết nối các mối quan hệ (Relationships): Sự kết nối giữa thầy và trò không chỉ là nền tảng của một mối quan hệ bền vững mà còn thúc đẩy việc dạy và học.
Ý nghĩa (Meaning): Mục đích của việc học không nằm ở điểm số mà ở những giá trị lớn hơn. Khi giáo viên và học sinh thấy được ý nghĩa của mỗi giờ học, chẳng hạn như việc bảo vệ môi trường, sự sẻ chia và lòng nhân ái, họ sẽ cảm nhận được niềm vui.
Thành tựu (Accomplishment): Ghi nhận và khen thưởng những nỗ lực, những mục tiêu đã hoàn thành dù là nhỏ nhất sẽ khích lệ tinh thần và giúp học sinh tự tin, nỗ lực nhiều hơn.
Với PERMA, sức khỏe tinh thần của người học được đặt lên trên việc tiếp thu kiến thức. Đây cũng là cách để giáo dục trí tuệ và cảm xúc, để việc đến trường trở thành một trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả mọi người.
Mô hình PERMA mà PGS.TS Mai chia sẻ cũng có nhiều điểm tương thích với khung lý thuyết của Hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" - mô hình SPIRE. Cả PERMA và SPIRE đều hướng đến việc xây dựng, phát triển hạnh phúc bền vững và sự thăng hoa cá nhân. Cả hai mô hình đều nhấn mạnh đến việc phát triển các khía cạnh đa chiều của con người để đạt được hạnh phúc (chứ không chỉ có khía cạnh thành tích học thuật - điểm số). PERMA thiên về lý thuyết tâm lý học tích cực, trong khi SPIRE mang tính toàn diện khi bao gồm cả yếu tố thể chất và tinh thần.
Hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục 2024" được xây dựng trên nền tảng khoa học của mô hình SPIRE - Tiếp cận toàn diện về hạnh phúc do Tiến sĩ Tal Ben-Shahar của Đại học Harvard nghiên cứu và phát triển. Mô hình này tập trung vào năm yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời và xây dựng một cuộc sống an lành hơn, bao gồm: Sức khỏe tinh thần (Spiritual well-being), thể chất (Physical well-being), trí tuệ (Intellectual well-being), cảm xúc (Emotional well-being) và các mối quan hệ (Relational well-being).
Tại Việt Nam, TH School cùng Tập đoàn TH là những tổ chức tiên phong áp dụng SPIRE như một giải pháp tổng thể giúp học sinh, giáo viên, phụ huynh, cán bộ nhân viên và cộng đồng khám phá hạnh phúc đích thức và phát triển bản thân mỗi ngày.
Vai trò dẫn dắt thay đổi của lãnh đạo trường học
Để học sinh hạnh phúc, trường học thành công, PGS.TS Ngô Tuyết Mai cũng nêu rõ vai trò dẫn dắt của các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo trường học.
Theo PGS.TS, mô hình lãnh đạo cũ theo hướng kiểm soát không còn phù hợp với nền giáo dục hiện đại. Giáo dục ngày nay cần tối ưu hóa sự trao quyền. Trong mô hình này, các lãnh đạo trường học được trao quyền để tạo ra các giá trị và quy tắc phù hợp với trường. Đồng thời, giáo viên, phụ huynh và các bên liên quan cũng được trao quyền để tham gia vào quá trình ra quyết định và làm phong phú thêm các quan điểm.
Nhờ văn hóa trao quyền, trường học có thể xây dựng một môi trường làm việc tích cực, nơi giáo viên cảm thấy được trân trọng và gắn kết, từ đó thúc đẩy tinh thần cống hiến cho sự phát triển của nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, khi phụ huynh, giáo viên và cộng đồng cùng tham gia vào các quyết định quan trọng, họ sẽ có trách nhiệm và cam kết với mục tiêu chung. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên cũng góp phần kiến tạo một môi trường giáo dục bền vững, hạnh phúc.
Cuối phần trình bày, PGS.TS Ngô Tuyết Mai kết luận để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui, tất cả các nhân tố và các bên liên quan trong hệ thống giáo dục cần hợp tác và phối hợp nhịp nhàng để thúc đẩy sự phát triển toàn diện, đặt hạnh phúc là đích đến của giáo dục. Trong đó, hai yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này gồm có: giáo dục cả trái tim và trí tuệ, và chú trọng vào sự an lành, hạnh phúc của giáo viên cùng học sinh trước khi giảng dạy, học tập.