Vào ngày 5/6, bốn quốc gia Ả Rập – Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập - tuyên bố một cuộc chiến ngoại giao với Qatar.
Các nước đã có một danh sách dài các yêu cầu gửi tới Doha bao gồm: Giảm quan hệ với Iran, trục xuất lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi đất nước và thực hiện các bước khác làm giảm ảnh hưởng của Qatar trong khu vực.
Trụ sở mạng lưới truyền thông Al Jazeera ở Doha, Qatar.
Họ cũng yêu cầu Qatar đóng cửa Al Jazeera, mạng lưới truyền thông lớn nhất nước này mà nhiều năm nay bị cáo buộc liên tục chỉ trích Chính phủ của các nước Ả Rập. Cho đến nay, Chính phủ Qatar vẫn kiên quyết chống lại mọi áp lực trong việc làm suy yếu đế chế truyền thông nói trên.
Tầm ảnh hưởng của Al Jazeera
Khi Al Jazeera ra mắt vào năm 1996, nó đã làm rung chuyển thế giới truyền thông ở các nước Ả Rập. Vào thời điểm đó, các bản tin truyền hình đều sản xuất theo quy chuẩn tin tức được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Đột nhiên, có một kênh truyền hình tươi mới không kiểm duyệt về chính trị xuất hiện tại khu vực với hình ảnh bóng bẩy và chuyên nghiệp không khác các chương trình tin tức trên truyền hình phương Tây như BBC hay CNN.
Quan trọng nhất, khi những biến động lớn trong thế giới Ả Rập xảy ra, chẳng hạn như Phong trào Intifada lần thứ hai của Palestine chống lại Israel hồi năm 2000, những người dân Ả Rập không còn phải quay sang các đài truyền hình phương Tây để phân tích về những gì đang diễn ra nữa. Thay vào đó, họ nhìn thấy các phóng viên Ả Rập bao quát mọi tin tức.
Al Jazeera tiếng Anh được thành lập vào năm 2006, tự hào ghi dấu ấn bởi những câu chuyện và quan điểm khác biệt so với các hãng tin khác.
Đối lập với các đế chế truyền thông phương Tây, kênh truyền hình này càng gây tranh cãi hơn khi đưa góc nhìn về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq.
Chính quyền George W Bush không hài lòng khi các bản tin luôn nổi bật thương vong dân sự trong những cuộc xung đột. Trong khi quan chức Chính phủ chỉ trích, Al Jazeera đã khuấy lên sự phản đối với những nỗ lực của Mỹ trong khu vực.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Al Jazeera cũng là nguồn cơn tức giận của các nhà lãnh đạo Trung Đông, những người muốn kiểm soát tin tức trước khi nó chuyển đến công dân của mình.
Al Jazeera thường có những bản tin mang tính chất “khiêu khích”, đặc biệt với những nhân vật đang hành động chống lại Qatar. Các diễn đàn thảo luận được lập ra với chủ đề như tôn giáo, quyền phụ nữ theo cách nhìn nhận mới đã định nghĩa lại khái niệm "tự do ngôn luận" trong thế giới Ả Rập.
Tuy nhiên, có những mặt hạn chế đối với phóng viên của Al Jazeera. Mặc dù đi sâu vào đời sống chính trị của của hầu hết các quốc gia Ả Rập, gia tộc Hoàng gia Qatar luôn là đối tượng ngoài lề. Do đó, kênh truyền hình này thường bị xem như là một bộ phận của bộ máy chính sách đối ngoại Qatar .
Bước ngoặt “Mùa xuân Ả Rập”
Trở thành “cái gai trong mắt” của nhiều nước Ả Rập sau nhiều năm hoạt động, Al Jazeera đã không còn giữ được sự kiên nhẫn của các quốc gia này.
Saudi Arabia, Bahrain và UAE đặc biệt khó chịu với Al Jazeera cũng như với các ông chủ người Qatar đứng sau đế chế truyền thông này, kể từ cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập năm 2011.
Các nước cáo buộc Al Jazeera "hỗ trợ cảm xúc" cho người biểu tình và cho rằng, mạng lưới này đã tiếp lửa cho những cuộc nổi dậy đe doạ các chế độ quân chủ trong khu vực.
Al Jazeera cũng thường đề cập đến nhóm Anh em Hồi giáo một cách thiện chí, trong khi các nước láng giềng đều áp đặt nhóm này mang tính chất khủng bố. Điều này cũng làm cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi hết sức tức giận.
Ngay cả trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện tại, Al Jazeera vẫn tiếp tục các bài viết táo bạo với các quốc gia Ả Rập khác.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Qatar nói rõ rằng, họ coi những yêu cầu của nhóm các nước Ả Rập đang vây hãm mình là hành vi vi phạm chủ quyền. Thậm chí nếu Qatar chịu thỏa hiệp với một số yêu cầu, rất có thể họ vẫn quyết định không đóng cửa Al Jazeera. Mạng lưới truyền thông này là một trong những thành tựu to lớn của Qatar, là “bánh xe” giúp thúc đẩy sự tăng trưởng toàn cầu của quốc gia nhỏ bé trong hai thập kỷ qua.
Al Jazeera không phải kênh tin tức độc quyền phát sóng trong khu vực. Đối thủ cạnh tranh chính của nó đến từ Al Arabiya – hãng truyền thông phản ánh quan điểm của Saudi Arabia và có lẽ sẽ trở thành kênh tin tức thống trị Ả Rập, nếu Al Jazeera biến mất.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã phần nào ảnh hưởng đến thị phần của Al Jazeera và tầm ảnh hưởng của nó. Al Jazeera là một mục tiêu hấp dẫn đối với kẻ thù của Qatar, vì kênh truyền hình này đã góp công rất lớn giúp nâng vị thế của Qatar trên sân khấu thế giới.
“Al Jazeera không hoàn hảo, nhưng đối với những ai hy vọng nhìn thấy một thế giới Ả Rập dân chủ hơn, mạng lưới này cho thấy thậm chí các kênh tin tức và tiếng nói không bị kiểm duyệt có thể phát ở mọi nơi công cộng. Giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, xã hội Ả Rập được hưởng lợi từ việc có nhiều tiếng nói tranh cãi về các vấn đề trong ngày”, Philip Seib - Giáo sư báo chí và ngoại giao công từ trường đại học Nam California (Mỹ) viết trên The Conversation.
“Trung Đông có vô số vấn đề, nhưng họ sẽ không giải quyết được tất cả bằng việc lùi lại giới hạn tự do báo chí”, Giáo sư Seib kết luận.