Không chấp nhận việc ngược đãi nghề giáo
Sáng 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng –Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề dư luận quan tâm để Bộ có giải pháp khắc phục.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý bộ về vấn đề về biên chế giáo viên như vụ việc 500 giáo viên bị mất việc làm ở Đắk Lắk, có người làm việc trên dưới 10 năm, lương thấp hơn lương cơ bản.
“Đây không phải là trách nhiệm của bộ nhưng việc kiểm soát chung của ngành khi phát hiện vấn đề cũng cần lưu ý. Có nhiều địa phương cải cách mạnh, tinh giản bộ máy, biên chế bằng cách ghép trường”, ông Dũng nói.
Ông Dũng kể thực tế khi còn công tác ở địa phương, từng thấy có trường hợp sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm khi đăng ký lao động vào khu công nghiệp không dám ghi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.
“Giáo viên hợp đồng lương cực thấp, giáo viên mầm non, tiểu học lương đôi triệu, thấp hơn lương cơ bản nhưng họ kỳ vọng vào điều gì đó như tới đây có chỉ tiêu để vào biên chế. Đây là vấn đề cần được quan tâm”, ông Dũng nói.
Một vấn đề nữa được Thủ tướng lưu ý là liên quan đến đạo đức, vấn đề ép học sinh học thêm, bạo lực học đượng, chạy điểm, chạy trường ảnh hưởng tốt trong xã hội, gia đình học sinh.
“Đặc biệt là có sự xúc phạm đến danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên liên tục xảy ra. Thủ tướng nói Bộ GD -ĐT nên có cách nào đó cảnh báo và có thái độ với việc này, chấm dứt tình trạng này.
Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 lên bục giảng bóp cổ giáo viên. Câu chuyện này từ cổ xưa không có mặc dù trước đây giáo viên rất khắc khe với học sinh”, ông Dũng nói.
Nhắc lại các vụ việc xảy ra ở Long An khi giáo viên bắt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; bắt giáo viên phải quỳ trong khi đang mang thai 3 tháng.
“Xã hội chúng ta không chấp nhận ngược đãi, đối xử với ngành giáo, người thầy như thế. Chúng ta phải có thái độ, lên tiếng xử lý”, ông Dũng nói.
Chưa đủ điều kiện thì không công nhận
Đối với vấn đề công nhận chức danh GS, PGS, theo ông Dũng “dư luận xã hội rất quan tâm”. Trong 1.226 ứng viên, bộ đã công bố có 94 ứng viên do có đơn thư, hội đồng chưa xem xét công nhận.
“Việc chưa xem xét này không phải trách nhiệm của Thủ tướng chứ không phải tại Thủ tướng mà tôi không được phong hàm.
Đó là do hội đồng phong hàm GS quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo bám vào tiêu chí, nguyên tắc thực hiện chứ Thủ tướng không đi vào chi tiết, không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng.
Cho nên đừng đổ ngược lên cho Thủ tướng, phải công khai minh bạch việc này”, ông Dũng nói.
Giải trình vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc công nhận chức danh GS, PGS, Bộ đã có giải trình với Thủ tướng.
Qua rà soát cho thấy, về cơ bản các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS, PGS, những tiêu chuẩn đã được xây dựng 20 năm rồi. Tuy nhiên cũng có những ứng viên chưa đạt tiêu chuẩn.
Theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, nếu xét xong thấy có vấn đề thì rà soát lại. Bước đầu sau rà soát có 94 ứng viên có đơn thư cần phải giải quyết theo quy trình...
“Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và 31/3 tới đây sẽ kết thúc. Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sẽ làm việc với từng ứng viên, để các ứng viên tâm phục khẩu phục”, ông Nhạ nói.
Theo ông Nhạ, cuối tháng sẽ có kết quả rà soát do ban thanh tra cung cấp. “Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai”, ông Nhạ khẳng định.