Đề án 1 triệu ha lúa mang lợi nhuận cho dân, không phải để bán tín chỉ carbon

Nhật Huy |

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tập trung vào việc giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân là thành công, không phải mục tiêu bán tín chỉ carbon.

Ngày 4/9, tại tỉnh Sóc Trăng, diễn ra Hội nghị sơ kết mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao , phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các mô hình của Đề án được triển khai thí điểm 4 mô hình trong vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông năm 2024 tại 3 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 196ha. Trong đó, vụ Hè Thu, mô hình tại Cần Thơ đã thu hoạch xong, năng suất đạt 64 tạ/ha, cao hơn 7 tạ so với lúa ngoài mô hình. Mô hình tại tỉnh Trà Vinh đạt 61 tạ/ha, cao hơn lúa ngoài mô hình 2 tạ/ha. Riêng mô hình tại Trà Vinh và Sóc Trăng đang thu hoạch, ước năng suất cũng cao hơn cách trồng lúa truyền thống. Tổng sản lượng lúa giảm phát thải ước tới nay đạt trên 1.260 tấn.

Đề án 1 triệu ha lúa mang lợi nhuận cho dân, không phải để bán tín chỉ carbon- Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.

Vụ lúa Thu Đông 2024, có 3 mô hình đã gieo sạ 140ha, ước năng suất trung bình đạt hơn 63 tạ/ha và sản lượng đạt 157 tấn, lúa đang phát triển tốt. Dự kiến thu hoạch từ tháng 9 - 10/2024.

Kết quả giảm khí phát thải khí nhà kính trong các mô hình cho thấy, tại TP. Cần Thơ giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha, so với ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng mô hình ngập khô xen kẽ (AWD) chung trong hợp tác xã nhưng vùi rơm trên đồng.

Tại Sóc Trăng, mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 9,5 tấn CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi lúa không áp dụng quy trình phát thải 13,5 tấn CO2 tương đương/ha/vụ. Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 7,6 tấn CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi canh tác lúa truyền thống phát thải 13 tấn CO2 tương đương/ha/vụ.

Đề án 1 triệu ha lúa mang lợi nhuận cho dân, không phải để bán tín chỉ carbon- Ảnh 2.

Thu hoạch lúa Hè Thu tại TP. Cần Thơ.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhiều lần nhấn mạnh, trong giai đoạn thí điểm, mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp không phải để bán tín chỉ carbon. Mục tiêu chính Đề án hướng tới giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân là thành công.

"Nhiệm vụ của Đề án chủ yếu xây dựng phương thức sản xuất, nông dân liên kết được với doanh nghiệp, có đầu vào và đầu ra ổn định, có cách làm để giảm chi phí tốt nhất, tăng lợi nhuận cao nhất, không phải bán tín chỉ carbon”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, dù mục tiêu chính của Đề án không bán tín chỉ carbon, nhưng ở giai đoạn đầu sẽ thực hiện việc chi trả thí điểm tín chỉ carbon cho người dân trồng lúa. Theo kế hoạch, việc chi trả được triển khai vào giữa hoặc cuối năm 2025.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại