Kiểm tra người đi ra đường
Long An: Sau 8 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo; số ca bệnh ghi nhận hằng ngày liên tục tăng và ở mức rất cao.
Để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch đang tập trung triển khai thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đầy đủ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
Đồng thời, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tăng cường các biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch. Theo đó, từ 18 giờ ngày 27-7 đến hết ngày 1-8, mọi người dân trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa ra đường. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau.
Việc áp dụng quy định này sẽ trừ một số trường hợp ngoại lệ như cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật;
các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu…
Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, UBND tỉnh đề nghị các địa phương triển khai việc phát "Phiếu mua hàng thiết yếu" theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia theo khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người (mỗi khung giờ tối đa là 2 giờ).
Tính đến thời điểm này, Long An đã ghi nhận 3.976 ca mắc Covid-19 , đứng đầu khu vực miền Tây Nam bộ.
Đồng Tháp: Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 27-7, toàn tỉnh có 153 ca mắc Covid-19 , nâng tổng số ca mắc và nghi mắc Covid-19 ở tỉnh lên 2.429 ca. Tỉnh này đang đứng thứ 2 ở ĐBSCL về số ca Covid-19.
Tỉnh Đồng Tháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh thông qua việc test sàng lọc đại trà
Để thực hiện các quy định về triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Viễn thông Đồng Tháp hướng dẫn các cơ sở cách ly y tế tập trung về chuẩn kết nối của camera giám sát;
bảo đảm hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục và kết nối với hệ thống kết nối tập trung các camera giám sát; việc lưu trữ dữ liệu, hình ảnh tối thiểu 30 ngày.
Tiền Giang: Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương người dân không ra đường từ sau 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, phòng, chống dịch, công vụ…..
Thời gian áp dụng chủ trương mới này bắt đầu từ ngày 27-7 cho đến khi có thông báo mới. Theo ông Vĩnh, quy định này không phải là giới nghiêm mà là để người dân điều chỉnh thời gian sinh hoạt, góp phần thực hiện tốt quy định cách ly xã hội trong phòng, chống dịch. Sau khung giờ này, người dân được ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết theo quy định của Chỉ thị 16.
Đến ngày 27-7, tỉnh Tiền Giang đã vượt mức 2.000 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, có 32 trường hợp tử vong. Tỉnh đang đứng thứ 3 trong khu vực về số ca mắc Covid-19.
Kiên Giang: Ngày 27-7, Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Kiểm tra y tế theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Theo đó, đa phần người dân đều có ý thức chấp hành nghiêm nhưng vẫn còn tình trạng một lượng phương tiện và người dân (trong đó có cán bộ, công chức, viên chức) ra đường không cần thiết hoặc đi mua lương thực, thực phẩm nhiều lần trong ngày. Trong khi đó, việc tổ chức mua bán trong các chợ chưa đảm bảo an toàn theo quy định về phòng, chống dịch, hàng hóa không đủ cung ứng nhu cầu của người dân.
Các địa phương chưa xác định "vùng xanh" và "vùng đỏ" trong khi người đứng đầu các vùng chưa có dịch còn chủ quan trong công tác quản lý nên để mầm bệnh di chuyển từ vùng đỏ qua vùng xanh làm lây lan dịch bệnh. Một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong việc mở rộng khu cách ly tập trung để dự phòng khi dịch bệnh xảy ra ở cấp độ cao hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp tương tự như quy định của tỉnh Long An.
An Giang: Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký công văn gửi các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh về việc kể từ ngày 27-7, An Giang sẽ nâng cao thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, kể từ 18 giờ cho đến 5 giờ sáng hôm sau, tất cả người dân trên địa bàn tỉnh không được phép ra đường (lưu thông trên bộ và trên sông), trừ trường hợp thật cần thiết như cấp cứu, công vụ, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch hoặc thực hiện nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định.
Vĩnh Long: UBND tỉnh Vĩnh Long cũng ra văn bản yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau (trừ trường hợp cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị, lực lượng phát hành báo; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố vấn đề về điện, nước…
Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 27-7 đến hết ngày 1-8.