ĐBQH: "Thu cả triệu tỷ đồng nếu đấu giá biển số xe, sim điện thoại đẹp"

Hoàng Đan |

"Nếu quy định và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 thì có thể thu đến 100.000 tỷ đồng từ việc bán đấu giá kho biển số xe, số điện thoại đẹp", ông Cảnh nói.

Nêu ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước sửa đổi vào chiều nay tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, việc công khai tài sản công trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai... là chưa đảm bảo nên cần phải công khai trên chính tài sản công đó.

Cụ thể, công khai thông tin cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng sử dụng tài sản công, mục đích, thời gian sử dụng tài sản công đó.

"Đối với đất đai, trụ sở thì ta gắn biển, ví dụ như trụ sở, quảng trường... sẽ gắn biển nêu rõ nội dung cơ quan quản lý, đối tượng sử dụng, mục đích, diện tích sử dụng đất, thời gian giao đất. Còn đối với phương tiện xe công thì ta gắn nhãn thông tin cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, thời gian sử dụng xe.

Quy định như vậy sẽ giúp theo dõi, đánh giá lại việc sử dụng xe công còn lãng phí là do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hay đúng tiêu chuẩn mà chưa đúng mục đích...", ông Cảnh nói.

Để có thể thông tin tài sản công được khả thi, đại biểu Cảnh đề xuất, nên thực hiện vào tài sản công mới phát sinh, được giao cho đối tượng sử dụng mới...

Cũng theo ông Cảnh, dự thảo luật nêu phân loại tài sản công gồm đất đai, nước, khoáng sản, tài nguyên khác... nhưng còn một loại tài sản công khác, đó là biển số xe, sim điện thoại.

Ông cho biết thêm, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời Tổng Thư ký Quốc hội, có thể coi biển số xe là tài sản công nếu biết khai thác, quản lý, đấu giá tăng nguồn thu cho ngân sách, nhưng cụ thể vào luật thì cần bàn thảo thêm.

"Trong khi ngân sách còn khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, nên huy động vốn trong dân nhưng chưa có nhiều biện pháp khả thi, do đó, theo tôi việc đấu giá biển số xe, sim điện thoại là việc nên làm.

Bởi đây là nhu cầu thực sự của đa số người dân và số tiền thu được sẽ không nhỏ, Nhà nước sẽ không phải trả lãi, vốn", ông cho hay.

Qua tìm hiểu các văn bản pháp luật, thông tin về đấu giá biển số xe, số điện thoại, từ các tổ chức mua bán xe, ông ước tính số thu ngân sách trong vài chục năm tới từ giá trị tiềm năng của kho biển số xe, sim điện thoại có thể lên tới "cả triệu tỷ đồng".

"Nếu được triển khai từ 2018 - 2020 sau khi luật có hiệu lực chúng ta có thể thu đến 100.000 tỷ đồng tùy thuộc vào việc mở kho số của các bộ ngành, hiệu quả thực hiện của các địa phương và sở thích của người dân", ông nói thêm.

Để tăng tính hiệu quả, khả thi, nếu nội dung này được Quốc hội thông qua, ông Cảnh cũng góp ý, sau này Chính phủ cần khẳng định, người có số đẹp thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng số đẹp đó cho phương tiện, thiết bị mới, không bắt buộc phải đấu giá lại với các số đã đấu giá trước ngày luật có hiệu lực.

Chính phủ cũng cần hướng dẫn số tiền thu được từ biển số đẹp để lại cho địa phương có biển số sử dụng và quy định này không trái với luật ngân sách Nhà nước.

" Năm 2008, Nghệ An đã thực hiện thí điểm đấu giá 1 biển số tứ quý 9 được 700 triệu đồng, tương đương xây 17 ngôi nhà cho người có công với cách mạng. Tháng 10 vừa qua, Viettel đấu giá 1 số điện thoại 6 số 8 thu được 1,6 tỷ đồng, tương đương với chi phí điều trị cho hơn 40 em nhỏ bị tim bẩm sinh.

Dự tính số xe ôtô bán trong năm 2016 là khoảng 300.000 chiếc, tăng trưởng thị trường ôtô 2012 - 2016 là trên 30%, nếu chỉ tính tăng trưởng giai đoạn 2017 - 2020 là 25% thì trong 3 năm 2018 - 2020 chúng ta sẽ có 1,5 triệu xe ôtô.

Và nếu đấu giá biển số xe theo yêu cầu là 25 triệu đồng/1 biển số thì 3 năm này chúng ta có thể thu cho ngân sách 45.000 tỷ đồng.

Với số lượng xe máy bán ra hơn 2,5 triệu chiếc năm 2015 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng 8% thì như vậy chúng ta có thể thu tiền biển số xe máy cao hơn ôtô", ông Cảnh đề cập.

Để thực hiện điều này, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề nghị, phân biển số thành 3 loại là biển số đẹp, biển số theo yêu cầu và biển số ngẫu nhiên. 

Cụ thể, biển số đẹp như ngũ linh, tứ quý, tam hoa, lộc phát, phát tài, số lộc... sẽ được đấu giá. Với những biển số theo yêu cầu của người dân như trùng với ngày sinh, cưới, trùng với các sự kiện thì sẽ thu lệ phí khi điều chỉnh phụ lục, lệ phí. Còn số ngẫu nhiên như hiện nay thì không thu tiền.

"Với 63 tỉnh, thành hiện nay đang sử dụng 80 đầu số và theo thông tư của Bộ Công an dành 20 chữ cái đầu tiên cho biển số trắng của tư nhân thì kho số tiềm năng là 160 triệu biển số dành cho xe ô tô và trong đó, có 14. 400 số ngũ linh là có 5 số giống nhau.

Như vừa rồi đấu giá tứ quý là 700 triệu đồng thì nếu đấu giá số ngũ linh sẽ thu 1 tỷ đồng/ đầu số, khi đó, chúng ta sẽ có 14.400 tỷ đồng và đối với các số khác còn nhiều hơn sẽ thu được cho ngân sách con số tăng tương ứng.

Bên cạnh đó, số cho điện thoại, xe máy cũng rất lớn", đại biểu Cảnh phân tích.

Ông cũng cho biết thêm, năm 2009, Chính phủ có công văn giao Bộ Tài chính, Công an, Tư pháp nghiên cứu ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc bán đấu giá sử dụng số xe, nhưng đến nay chưa thực hiện.

"Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chưa có luật quy định việc đấu giá biển số xe.

Nếu lần này luật không quy định thì việc tạo nguồn thu cho ngân sách từ kho số này rất khó thực hiện. Do đó, mong Quốc hội, bộ ngành và địa phương quan tâm ủng hộ, cụ thể hoá, để từ đó chính phủ sớm giao bộ ngành triển khai thực hiện", đại biểu Cảnh đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại