ĐBQH tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Quốc hội
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin quy kết cho rằng, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đã có vi phạm khi cùng lúc mang hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan.
Ngoài ra, còn có thông tin vị ĐBQH này đang sở hữu tài sản bất động sản lớn ở Ba Lan.
Còn về quốc tịch hiện nay, ông Thân khẳng định chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. “Năm 2014, tôi cũng từng có quốc tịch Ba Lan, sau đó tôi đã bỏ quốc tịch này.
Năm 2016, khi ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi chỉ có duy nhất quốc tịch Việt Nam”, ông Thân khẳng định.
Trả lời Báo Giao thông về việc này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định, ĐBQH Nguyễn Văn Thân chỉ có 1 quốc tịch.
Theo ông Phúc, trước đó, ông Thân đúng là có 2 quốc tịch Ba Lan và Việt Nam, nhưng khi ứng cử ĐBQH khoá XIV thì ông Thân đã bỏ quốc tịch Ba Lan, việc này đã được Tổng thống Ba Lan ký, đồng ý cho công dân Nguyễn Văn Thân không mang quốc tịch Ba Lan nữa.
“Khi ông Thân ứng cử vào ĐQBH khoá XIV, các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra, giám sát và xác minh tất cả những thủ tục này, đảm bảo việc ĐBQH chỉ có một quốc tịch Việt Nam”, ông Phúc cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thân sinh năm 1955, quê Thái Bình, là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc Đoàn ĐBQH Thái Bình.
Ông Thân là một trong 21 đại biểu không phải là Đảng viên trúng cử ĐBQH khóa XIV. Ông đã ứng cử và trúng cử ĐBQH lần đầu năm 2016 ở đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Thái Bình, gồm các huyện Đông Hưng và Thái Thụy với tỉ lệ 59,99%.
Ông hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Trước sự việc của ông Thân liên quan đến vấn đề quốc tịch, cựu ĐBQH bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá XIII thuộc khối doanh nhân cũng bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta.
Hội đồng bầu cử Quốc gia khi đó đã tổ chức phiên họp bất thường, bỏ phiếu thống nhất không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Bà Hường sau đó cũng chủ động có đơn xin thôi làm ĐBQH vì cho rằng mình không đủ điều kiện hoạt động.
Theo quy định của Luật Quốc tịch, người Việt Nam ở trong nước chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, khi muốn nhập quốc tịch nước khác thì phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Còn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì với chính sách đại đoàn kết dân tộc, cho phép họ giữ quốc tịch Việt Nam để gắn bó với quê hương đất nước.