ĐBQH kiến nghị 'cởi trói' phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, quán karaoke

Thành Lâm |

Hàng loạt doanh nghiệp, quán karaoke đang gặp khó vì những tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe về phòng cháy chữa cháy (PCCC) của Nghị định 136.

Trước thực trạng này, trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội - nhận định, những quy định để đảm bảo PCCC là hết sức cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn thương tâm do hỏa hoạn. 

Tuy nhiên, hiện nay, quy định về PCCC đang yêu cầu những quy chuẩn, tiêu chuẩn rất cao, nhiều khi là không thực hiện được và việc này đã ảnh hưởng đến hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và tác động đến nền kinh tế cả nước.

ĐBQH kiến nghị cởi trói phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, quán karaoke - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội. (Ảnh: Lao động)

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phản ánh, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC của chúng ta còn cao hơn cả các nước châu Âu. Theo tôi, chúng ta không thể đưa ra quy chuẩn "trên trời" và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện, điều đó là rất khó. Quy định cũng nên phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với tình hình điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Theo đó, ông Hòa kiến nghị cơ quan Công an cần tham mưu cho chính phủ xem lại quy chuẩn PCCC đã phù hợp với thực tiễn chưa, Đồng thời cần trao đổi, tiếp xúc để nắm ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp và đánh giá chính xác tác động để đề ra những quy chuẩn mới phù hợp hơn.

Đảm bảo yêu cầu công tác PCCC là tối cao nhưng cũng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động thuận tiện, dễ dàng. Nếu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải ngừng hoạt động vì lý do không đủ điều kiện về PCCC thì thật sự không tốt cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, ông Hòa nói thêm.

Nói riêng về tình trạng các cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội hiện nay vẫn mòn mỏi chờ được hoạt động trở lại, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm: “ Trong hoạt động kinh tế xã hội, những dịch vụ giải trí là hết sức cần thiết, vì vậy cần sớm xem xét để cởi trói cho dịch vụ này”.

Karaoke liên tục kêu cứu

Mới đây, tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa cùng ký đơn gửi Thủ tướng, kiến nghị một số vấn đề liên quan công tác PCCC.

Các doanh nghiệp cho biết, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ và thông tư 147 của Bộ Công an có hiệu lực, đã được cấp đầy đủ giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Tuy nhiên, sau đợt kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Công an thì tất cả các cơ sở đều bị dừng hoạt động vì đoàn kiểm tra liên ngành các tỉnh thành trong cả nước; PC07 các tỉnh, thành phố kết luận các cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo an toàn về PCCC.

Sau khi nhận biên bản kiểm tra thì các cơ sở hầu như không biết phải sửa chữa ra sao, sử dụng vật liệu gì thì đúng theo quy định mới của pháp luật. Vì vậy, các doanh nghiệp đã có đem kiến nghị tháo gỡ khó khăn gửi tới các cơ quan chức năng từ quận huyện đến một số tỉnh thành. Tuy nhiên, đã hơn 7 tháng kể từ khi các nhà hàng kinh doanh karaoke bị đóng cửa cùng các kiến nghị tới các cơ quan chức năng chưa được phản hồi.

Gần đây, một số tỉnh thành đã có buổi gặp mặt, tọa đàm, hướng dẫn khắc phục những tồn tại. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn của đơn vị chức năng ở một số địa phương chỉ mang tính chất đập đi xây lại cho đúng quy định mới, chứ không hướng dẫn khắc phục tồn tại các cơ sở karaoke hiện hữu như thế nào.

Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kịp thời để được tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giảm bớt thiệt hại từng ngày của những người đã đầu tư kinh doanh karaoke.

"Chúng tôi là những cơ sở kinh doanh được cơ quan thẩm quyền cấp phép theo quy định của Nhà nước. Nhiều năm qua, luôn đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và đóng thuế đầy đủ. Hiện nay, với gánh nặng kinh tế và tinh thần đang đè nặng suốt nhiều tháng qua, chúng tôi luôn mong mỏi nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy đang bị bỏ lại phía sau khi cơ sở kinh doanh với số tiền đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng của chúng tôi đang bị phủ bụi, hoang tàn, đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng.

Với mong muốn được hoạt động trở lại, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng quan tâm và hướng dẫn chúng tôi theo đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp để ngành nghề karaoke có thể tiếp tục hoạt động và đóng góp cho xã hội” , đơn thư của tập thể doanh nghiệp kinh doanh karaoke nêu.

ĐBQH kiến nghị cởi trói phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp, quán karaoke - Ảnh 2.

Các cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội tiếp tục kêu cứu vì chưa được hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa: Sức khỏe Đời sống)

Doanh nghiệp bức xúc, mệt mỏi

Phản ánh với báo chí, hàng loạt doanh nghiệp cũng cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn với quy định PCCC mới như: không có giấy chứng nhận PCCC nên không đủ cơ sở pháp lý, hồ sơ để xây dựng; Chi phí đội lên quá cao; Nhiều quy định khắt khe không thể thực hiện...

Ví dụ như một nhà xưởng xây dựng khoảng 1.000-1.300 m2 nhưng yêu cầu phải có bể chứa nước 400m3 sử dụng được trong 3 giờ đồng hồ, dẫn đến chi phí bể chứa nước chiếm gần một nửa chi phí xây dựng. Ngoài ra, một số nguyên vật liệu, sơn chống cháy theo quy định không có tại Việt Nam...

Mới đây, 7 hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan bộ ngành liên quan báo cáo những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.

Cụ thể, các DN kiến nghị tháo gỡ một số nội dung như: nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn PCCC để doanh nghiệp có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp; đồng thời Chính phủ nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác PCCC để đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất - kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.

Đối với các công trình đã hoàn thành, công trình dở dang hoặc đã được xét duyệt dự toán, phương án PCCC thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn trước đó, không làm thay đổi kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại