Tài năng, đức hạnh của cán bộ phải phơi bày ra cho thiên hạ biết
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Theo đó, đến năm 2021, thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy như hợp nhất nhiều cơ quan cấp tỉnh, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, từng được luân chuyển làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, Nghị quyết cho thấy quyết tâm lớn, cần làm ngay của Trung ương trong việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, nhất là trong ngân sách khó khăn lại phải "nuôi" một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng, nấc.
Là người từng có tâm thư gửi đến Trưởng ban Tổ chức Trung ương về công tác cán bộ trước Hội nghị TƯ 6, theo ông, điều cốt yếu để thực hiện được Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng là gì?
ĐB Lê Thanh Vân: Cốt yếu nhất, theo tôi vẫn là con người vì con người là chủ thể để thực hành những đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước và thể chế hóa đường lối, chủ trương đó bằng pháp luật.
Con người là người thực thi pháp luật và sai ở đâu thì sẽ tắc nghẽn ở đấy, cho nên vấn đề đầu tiên, cuối cùng đều là con người.
Để thực hiện tốt, triệt để Nghị quyết này, tôi nghĩ phải có một Ban chỉ đạo của Trung ương và phải tập trung được những người công tâm, trong sáng và có ý chí vững bền, kiên trì, quyết liệt, đủ uy tín, sự trong sạch vào cuộc.
Nếu không lại quanh quẩn với sửa sai, rút kinh nghiệm, không thể chấn chỉnh được bộ máy, sửa đổi lề lối làm việc, lấy lại được tinh thần, nhiệt huyết của cán bộ, niềm tin của nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: N. Thắng.
Một số ý kiến bày tỏ sự lo ngại là việc thực hiện Nghị quyết 18 có thể gây ra sự xáo trộn bởi nó tác động đến nhiều con người, cán bộ trong bộ máy. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐB Lê Thanh Vân: Nếu xáo trộn ở mức độ lớn tôi nghĩ không có nhưng việc sắp đặt lại bộ máy là điều cần thiết.
Sắp đặt hợp lý sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, không những không có xáo trộn mà ngược lại còn thiết lập trật tự, kỷ cương mới, tạo ra sức mạnh, năng lực lãnh đạo của Đảng, uy tín của Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý điều hành xã hội.
Đối với công tác nhân sự, tôi nghĩ cũng không có sự xáo trộn. Bởi, thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng, vi phạm kỷ luật, khai man bằng cấp, lý lịch là thay đổi hình ảnh nhân sự của Đảng, lấy lại niềm tin, uy tín cho Đảng.
Việc làm này vô cùng hệ trọng và cần có nhận thức mới với nhân sự không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng phải thay thế ngay, không cần đợi hết nhiệm kỳ.
Tinh thần Nghị quyết 18 đã nêu rõ, bộ phận nào, nhân sự nào không đáp ứng được yêu cầu phải thay thế ngay, một cách quyết liệt, thuyết phục bằng những dẫn chứng về tiêu chuẩn, việc làm.
Ngoài ra, phải có đánh giá cán bộ dựa vào thực chứng, tức là năng lực, tài năng, đức hạnh của anh phải phơi bày cho thiên hạ, tổ chức, cơ quan biết.
Một cán bộ lãnh đạo cấp cao mà phát ngôn không đúng tầm, hành động không đúng mức, không làm chuyển biến, thay thế tình hình thì phải thay ngay.
Tôi cũng cho rằng, không nhất thiết là Ủy viên Trung ương Đảng mới làm được Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy mà những người hội đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ có thể làm xoay chuyển tình thế, xứng đáng thì mạnh dạn bố trí họ.
Hành động như vậy mới thay đổi được tình hình còn nếu không sẽ rơi vào bế tắc, bộ máy ngày càng phình ra, nhân sự năng lực không có, không đáp ứng được yêu cầu yêu cầu lãnh đạo, dẫn dắt hệ thống.
Như vậy, sẽ rất nguy hiểm và Tổng Bí thư cũng đã cảnh báo, sự tha hóa, suy thoái, tự diễn biến dẫn đến cơ thể chính trị của Đảng càng yếu đi, sức mạnh quản lý Nhà nước, uy tín suy giảm, nhân dân không tin.
Cho nên đây là Nghị quyết có tính cách mạng, thực hiện tốt được mới thay đổi tình hình.
Cần một Ban chỉ đạo đủ tầm
Khi thực hiện Nghị quyết này sẽ tạo sự thay đổi rất lớn về bộ máy nhưng cũng có một vấn đề đó là làm thế nào tránh được tình trạng "chạy chọt" để được ở lại, không bị thay thế, giữ nguyên vị trí, thưa ông?
ĐB Lê Thanh Vân: Nhiệm kỳ 12 lần này có thể nói là hai cánh tay phải của Đảng là Ban Tổ chức TƯ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoạt động rất đều tay.
Đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ, góp phần chỉnh đốn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bộ máy Nhà nước.
Tuy nhiên, xã hội, dư luận nhân dân vẫn lo ngại tàn dư tiêu cực còn khống chế, chi phối những kết quả của kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh bộ máy.
Cho nên nếu như nhận diện được thực trạng, nỗi lo lắng đó thì như tôi đã nói, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần thành lập Ban chỉ đạo đủ tầm, đủ tâm để vào cuộc thực hiện rốt ráo và phải chứng minh được cho xã hội biết Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống.
Cụ thể, phải để người dân thấy có sự thay đổi, chuyển biến, thể hiện qua việc sắp xếp lại bộ máy không còn cồng kềnh, kém hiệu lực và những ai không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng bị thay ngay và bố trí vào những người xứng đáng, bậc hiền tài ra gánh vác việc nước.