Đầy tớ và đồng chí

Phạm Trung Tuyến |

Sự phách lối, lạm quyền của một bộ phận cán bộ Nhà nước đang dần trở nên quen thuộc với nhiều hình thức khác nhau.

Rất khó khăn để hình dung tâm thế của ông Giám đốc Sở KHCN khi lôi lái xe của cơ quan ra giữa đường mà đánh. Đó chỉ có thể là tâm thế của một tay chủ nô, tự cho mình có quyền sinh, quyền sát với kẻ dưới. 

Nhưng điều khó hiểu là làm sao mà mối quan hệ giữa những người cùng một cơ quan, cùng là công chức nhà nước, là đồng chí trong các cuộc họp hành, bỗng chốc lại có thể biến thành mối quan hệ chủ tớ thế này.

Về nguyên tắc tổ chức, một lãnh đạo cơ quan được bổ nhiệm có thời hạn, thông qua bầu chọn dân chủ ở cơ quan.

Điều đó có nghĩa là quyền lực của người lãnh đạo cơ quan, như ông Giám đốc Sở hung bạo kia, là thứ quyền lực được kiểm soát bởi tập thể, trong đó có những nhân viên như người lái xe của cơ quan.

Tuy nhiên, nguyên tắc kiểm soát quyền lực đó đã không được đảm bảo, và những ông Giám đốc có điều kiện để sẵn sàng tước đoạt phẩm giá, danh dự, xâm phạm cơ thể của nhân viên dưới quyền, khi có hứng.

Mọi chuyện trở nên dễ hiểu hơn khi ngay cả báo chí cũng mặc định gọi nạn nhân là "người lái xe của Giám đốc Sở" thay vì "nhân viên lái xe của Sở KHCN".

Thái độ, hành vi của chúng ta, đúng hay sai, phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta định danh đối tượng của thái độ, hành vi đó.

Ông Giám đốc Sở sẽ không thể tự tin lôi người lái xe ra giữa đường mà đánh nếu như ông ta xác định người lái xe đó là một cán bộ Nhà nước, một đồng chí của mình, một nhân viên công vụ đang làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi ông ta mặc nhiên coi người lái xe đó là "của mình", là "lái xe của tôi" thì ý niệm về sự sở hữu đã lớn thêm rất nhiều, ý thức về sự tự do thể hiện quyền lực đã thúc đẩy hành vi của ông ta.

Đầy tớ và đồng chí - Ảnh 1.

 Sự phách lối, lạm quyền của một bộ phận cán bộ Nhà nước đang dần trở nên quen thuộc với nhiều hình thức khác nhau.

Phổ biến nhất là sử dụng xe công, lái xe công vào việc riêng, rồi huy động nhân viên phục vụ các nhu cầu cá nhân, như chuyện nhỏ như xách cặp khi đi họp, ôm gậy khi đi đánh golf, đưa đón vợ con…

Những hành vi trên lâu nay đã trở thành một thói quen, thậm chí được coi là "văn hoá" công sở. Bản chất của hiện tượng đó chính là sự chuyển hoá quyền lực, từ quyền lực Nhà nước trở thành quyền lực cá nhân.

Quyền lực, dù ở đâu, thuộc về ai cũng luôn có xu hướng tha hoá. Quyền lực Nhà nước, về nguyên tắc thuộc về nhân dân, và được kiểm soát bởi hiến pháp và pháp luật để không có khả năng tha hoá.

Tuy nhiên, khi quyền lực Nhà nước được hiểu như quyền lực của những người đứng đầu các cơ quan Nhà nước thì nó đã trở thành quyền lực cá nhân, và chỉ được kiểm soát bởi đạo đức, văn hoá của cá nhân đó.

Khi quyền lực Nhà nước chỉ được kiểm soát bởi đạo đức, văn hoá của những cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước, rủi ro sẽ không chỉ đến với người lái xe bất ngờ bị đánh, rủi ro còn đến với mọi người dân liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm mà Nhà nước giao phó cho những cá nhân đó.

Khi "đồng chí" lái xe của một Sở KHCN trở thành "thằng" lái xe của ông Giám đốc Sở, anh ta có thể bị Giám đốc lôi ra đánh giữa đường, như một kẻ tôi đòi bị ông chủ trừng phạt.

Khi quyền lực Nhà nước trở thành quyền lực của những cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước thì lợi ích của nhân dân, vốn được đảm bảo bởi quyền lực Nhà nước, sẽ trở thành con tin của quan viên Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại