Theo cô N.T.H, giáo viên mầm non hợp đồng từ năm 2013 ở huyện Thanh Sơn, mức giá mà “cò” đưa ra cũng khác nhau, chỗ thì họ cương quyết đòi nộp đủ tiền trước là 250 triệu đồng, không bớt một đồng. Chỗ khác lại yêu cầu chỉ 200 triệu đồng, nhưng phải nộp cho họ bằng đại học gốc như một biện pháp bảo đảm. Lúc báo điểm đỗ, người “chạy” viên chức mới phải nộp đủ số tiền như đã thỏa thuận ban đầu để cầm bằng về.
Một “cò” môi giới (dấu X) đang nói chuyện về việc “chạy” suất đỗ viên chức giáo viên mầm non. Ảnh: PV
Cô L.T.T, một giáo viên mầm non khác cũng thuộc diện hợp đồng ở huyện Thanh Sơn kể, “cò” môi giới mà cô trao đổi đưa ra mức giá có vẻ “mềm” hơn. “Sau mặc cả, họ đồng ý hạ xuống còn 180 triệu đồng. Trước mắt họ chỉ giữ bằng đại học gốc của tôi cho đến khi báo điểm đỗ mới nộp tiền và nhận lại bằng. “Cò” này còn bảo “sếp” của họ đảm bảo cho 10 suất đỗ, nếu tôi cứ giới thiệu được 1 người, họ sẽ bớt cho 10 triệu đồng”.
Thực tế, cả cô H và cô T đều không có ý định “chạy” suất đỗ viên chức. Nhưng để chứng minh với phóng viên Tiền Phong chuyện “cò” môi giới chạy viên chức hiện nay ở Phú Thọ là hiện tượng có thật, các cô đã giả vờ là người có ý định mua suất đỗ, rồi bí mật ghi âm lại nhiều cuộc mặc cả, ngã giá với đối tượng “cò” và cung cấp cho phóng viên .
Sáng 20/7, trong vai người người thân của một giáo viên mầm non muốn lo lót để được đỗ viên chức đợt này, phóng viên Tiền Phong liên hệ với một đối tượng được cho là “cò” chạy viên chức. Sau một hồi giới thiệu, người này tỏ ra cảnh giác và yêu cầu phải đợi để xác minh lại xem có đúng là người thân của giáo viên mầm non như đã nói không. Cho dù đã xác minh là “đúng”, đối tượng vẫn tỏ ra dè dặt.
Trong cuộc trao đổi điện thoại này, người được cho là môi giới xác nhận lại đại ý rằng, mức giá 250 triệu đồng mà họ đã đưa ra là không thể bớt được và yêu cầu người “chạy” suất vào viên chức phải đồng thời nộp cả tiền lẫn bằng đại học gốc trước khi dự tuyển họ mới đồng ý giúp. Để an toàn, đối tượng còn mời phóng viên lên tận nhà riêng để thỏa thuận cụ thể.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, trong những người bị chèo kéo mời chào “chạy” viên chức ở huyện Thanh Sơn, có những người có hoàn cảnh vô cùng éo le, nghèo khó.
Do là giáo viên hợp đồng nên thu nhập của họ rất thấp. Không giống như giáo viên đã vào biên chế, tất cả giáo viên mầm non diện hợp đồng, kể cả có tới 10 năm công tác, họ vẫn chỉ được hưởng lương cơ bản, với số tiền thực lĩnh vào thời điểm trước tháng 7/2023 không quá 3,5 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy nhiều người không từ bỏ hy vọng trở thành viên chức để bớt nghèo. Vì thế, sau khi biết có hiện tượng cò môi giới “chạy” viên chức, họ càng tỏ ra hoang mang.
“Tồn tại những cuộc mặc cả mua bán như thế khiến chúng em thật sự chán nản, chỉ muốn bỏ nghề. Nếu đúng là có chuyện tiêu cực như vậy, giáo viên hợp đồng như chúng em làm sao có đủ tiền”? , một giáo viên mầm non nói với phóng viên.
Để rộng đường dư luận, từ chiều 19/7 đến 20/7, phóng viên Tiền Phong liên tục nhắn, gọi điện thoại với ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ (là cơ quan thường trực của Hội đồng tuyển dụng kỳ xét tuyển viên chức mầm non lần này) để được trao đổi thông tin, nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.