Đẩy nợ lên 44% tổng tài sản, bức tranh màu hồng của vua thép Hoà Phát đang bớt sáng?

Hải An |

Bức tranh kinh doanh của Hoà Phát đang nhuộm màu hồng nhưng công ty đang vay nợ hàng chục nghìn tỷ đồng ngắn hạn trong khi ngành thép đang dư cung, bất động sản đang chững khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng

Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 với con số tiếp tục tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung ngành thép. Cụ thể, doanh thu và LNST hợp nhất đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng trưởng 13% sovới cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, HPG đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuậnsau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đạt được, Hoà Phát có lẽ sẽ cán đích lợi nhuận năm 2018 mà cổ đông đã giao phó khi mà mới 9 tháng đã hoàn thành đến 85% kế hoạch năm.

Theo Hoà Phát, các nhóm ngành kinh doanh giữ vững nhịp tăng trưởng:

+Thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2018, con số này sẽ là 2,3 triệu tấn. Hòa Phát đang tập trung cho tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ 2020. Sau khi dự án hoạt động ổn định, thị phần thép xây dựng Hòa Phát dự kiến sẽ chiếm ít nhất 30% toàn thị trường.

+Nhóm sản phẩm công nghiệp khác như nội thất, điện lạnh hoạt động ổn định, có nhiều sảnphẩm mới thị trường đón nhận tích cực. Lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát đạt kết quả khả quan với những diễn biến tốt của thị trường.

+Trong lĩnh vực bất động sản, dự án Mandarin Garden 2 đã bàn giao căn hộ cho khách hàng với phần lớn tổng số căn, đồng thời hoàn thiện nốt các hạng mục tiện ích, nội thất dự án chung cư tại 70 Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội nhằm bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 12 tới.

Nợ đã đến ngưỡng 44% tổng tài sản

Cũng theo báo cáo tài chính Hoà Phát công bố, bên cạnh bức tranh màu hồng về kết quả kinh doanh, con số nợ vay khiến nhiều người đang lưu tâm.

Tham vọng đưa mình lên vị trí số 1 ngành thép ở Việt Nam đã đẩy Hoà Phát đến quyết định xây dựng thêm nhà máy mới như Khu liên hợp Gang thép Dung Quất, Nhà máy tôn mạ màu...Để có tiền xây dựng được những nhà máy tầm cỡ bậc nhất Việt Nam, tổng nợ phải trả của Hoà Phát lên hơn 31 nghìn tỷ đồng cuối quý 3/2018, chiếm đến 44% tổng tài sản.

Với những doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng lớn thì việc nợ tăng cao khá bình thường nhưng, có vẻ như, con số nợ lên đến 44% tổng tài sản của Hoà Phát lại đang cao hơn nhiều so với dự báo của rất nhiều đơn vị phân tích. Khi Hoà Phát công bố các thông tin về dự án Dung Quất, các công ty chứng khoán tên tuổi như MBS, VCSC...cũng đã dự báo nợ/tổng tài sản của Hoà Phát sẽ ~33% so với con số ~27% trước khi xây dựng.

Trong cơ cấu nợ phải trả, dư nợ ngắn hạn của Hoà Phát là 21.460 tỷ đồng. Tạm bỏ qua những khoản tín dụng từ người bán hay người mua…, con số 13.023 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cuối quý 3, tăng gần 1.700 tỷ so với đầu năm là con số đáng để lưu tâm.

Đẩy nợ lên 44% tổng tài sản, bức tranh màu hồng của vua thép Hoà Phát đang bớt sáng? - Ảnh 1.

Tổng nợ phải trả của Hoà Phát cuối quý 3/2018 lên đến 44% tổng tài sản

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hoà Phát cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 dương 5.872 tỷ đồng nhưng tiền chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác khiến dòng tiền lưu chuyển thuần từ các hoạt động đầu tư âm đến hơn 15 nghìn tỷ.

Hoà phát vay trong kỳ 37.676 tỷ đồng để tài trợ cho trả nợ gốc vay 28.800 tỷ, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính (chủ yếu là vay-trả nợ) dương 8.878 tỷ đồng. Tổng kết dòng tiền trong kỳ công ty âm khoảng 289 tỷ đồng so với đầu năm nên số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn gần 3.980 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền tệ cho thấy, có vẻ như Hoà Phát vẫn kiểm soát được khá tốt việc vay-trả nợ liên tục của mình nhờ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn khá khoẻ và khả năng vay nợ ngắn hạn để đáo hạn nợ cũ vẫn cao.

Nỗi lo từ thị trường bất động sản đang chững và ngành thép đối mặt vấn đề dư cung dài hạn

Bức tranh kinh doanh của Hoà Phát hiện tại vẫn đang nhuộm màu hồng với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đáng mơ ước. Nếu cứ đều đặn nguồn thu từ hoạt động kinh doanh lên đến gần 3 tỷ USD mỗi năm và khả năng vay nợ thì có lẽ, Hoà Phát vẫn cứ xoay vần liên tục được. Nhưng, điều khiến nhà đầu tư lo ngại là: Thị trường bất động sản thì đang chững lại và ngành thép đang đối mặt dư cung dài hạn thì việc vay nợ ngắn hạn hàng chục nghìn tỷ của Hoà Phát có an toàn?

Báo cáo phân tích Hoà Phát của Chứng khoán Phú Hưng mới đây dự phóng trong năm 2019, doanh thu của Hoà Phát có thể lên đến 65.738 tỷ đồng tương ứng tăng gần 15% YoY và lợi nhuận chỉ có thể tăng trưởng nhẹ 8% so với năm 2018 lên mức 9.899 tỷ đồng. EPS Forward đạt 4.661 đồng.

Phú Hưng dự phóng doanh thu dựa vào tốc độ tăng trưởng ổn định của ngành ở mức 12% trong bối cảnh thị trường bất động sản có tín hiệu chậm lại và thị phần ở miền bắc của Hoà Phát đang có dấu hiệu bão hoà. Trong khi đó, việc tổ hợp Dung Quất giai đoạn 1 mới đi vào hoạt động có thể sẽ khiến biên lợi nhuận co hẹp do chi phí khấu hao ban đầu lớn cùng việc chưa hoạt động hết công suất dự kiến.

Tuy vậy, việc tổ hợp Dung Quất đi vào hoạt động có thể giúp HPG cải thiện biên lợi nhuận trong dài hạn nhờ việc khép kín chuỗi sản xuất thép. Chứng khoán Phú Hưng kỳ vọng Hoà Phát mở rộng được thị trường xuất khẩu do đây là miếng bánh đầy tiềm năng nhằm giải quyết vấn đề tăng trưởng cũng như thừa cung trong nước.

Bản nhận định của Chứng khoán Phú Hưng mới đây cũng đưa ra nhận xét: Tổ hợp Dung Quất đi vào hoạt động trong thời gian tới có thể đem theo những rủi ro khó lường. Thị trường thép vẫn phải đối mặt với vấn đề dư cung trong dài hạn mặc dù thị trường tăng trưởng đều qua các năm. Thị trường bất động sản có tín hiệu chậm lại kéo theo ngành vật liệu xây dựng chững bước.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2018 của Hoà Phát không công bố số liệu doanh thu từ thị trường xuất khẩu nhưng con số chi phí xuất khẩu quý 3/2018 là 22,68 tỷ, chỉ tăng nhẹ so với mức 21,39 tỷ đồng cùng kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại