Sự sụp đổi khó tránh khỏi của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang kích hoạt cuộc chạy đua giành giật phần lãnh thổ phía Đông nhiều dầu lửa của Syria, buộc các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đứng trước tình thế phải đối đầu với Liên minh Syria, Iran và Hezbollah do Nga lãnh đạo.
Đây thực sự là viễn cảnh ác mộng mà mọi bên đều muốn né tránh. Quân đội Mỹ và Nga hiện đang hội tụ về cùng một địa điểm, cùng một thời gian, qua đó làm gia tăng rất cao xác suất diễn ra sự đụng độ lớn giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân.
Cách duy nhất có thể tránh được một cuộc xung đột như vậy là một bên phải rút lui nhưng viễn cảnh này thật khó xảy ra.
Lợi ích chi phối
Dải lãnh thổ rộng lớn do IS chiếm giữ đang bị thu hẹp nhanh chóng trước các đợt tấn công mãnh liệt của Quân đội Chính phủ Syria (SAA) - lực lượng đã giải phóng hầu hết phần phía Đông sông Euphrates, gồm cả thành trì cũ của IS ở Deir Ezzor, một pháo đài trọng yếu, tâm điểm của cuộc chiến.
IS cũng đang chịu áp lực lớn từ phía Bắc, nơi phe đối lập Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đang nã đạn vào "thủ phủ" của chúng ở Raqqa, đồng thời đẩy mạnh triển khai binh lính và xe tăng tiến về hướng Nam, tới các giếng dầu ở tỉnh Deir Ezzor.
Mỹ đã tỏ rõ mong muốn quân đội ủy nhiệm của mình kiểm soát khu vực phía Đông Euphrates, tạo ra một vùng đệm chia cắt Đông – Tây. Washington cũng không giấu giếm ý định khống chế các nguồn dầu lửa to lớn ở Deir Ezzor nhằm đảm bảo nguồn tài chính thông suốt cho Khu tự trị người Kurd mới nổi.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhiều lần từng tuyên bố ông sẽ không bao giờ chấp nhận việc chia cắt đất nước. Nhưng quyết định này sẽ không do ông Assad tự đưa ra. Các đối tác trong liên minh của ông ở Moscow, Beirut và Tehran sẽ phải cùng hỗ trợ để đi đến dàn xếp cuối cùng.
Khói bốc lên từ vị trí xảy ra một cuộc tấn công tên lửa ở gần Hawiqah, Deir Ezzor. Ảnh RT
Với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cái khó là liệu ông có dám mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài, đẫm máu với Mỹ, đơn giản chỉ để lấy lại mỗi mét vuông lãnh thổ Syria?
Có thể, ông Putin sẽ cho phép Mỹ duy trì các căn cứ ở Đông Bắc Syria miễn là những khu vực trọng yếu này phải thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Syria. Nhưng đâu sẽ là ranh giới được hoạch định? Đó mới là vấn đề.
Mỹ muốn kiểm soát khu vực phía Đông sông Euphrates, gồm cả các giếng dầu trữ lượng lớn. Điều đó giải thích tại sao Washington hỗ trợ quân SDF về hướng Đông Nam, bất chấp lực lượng này vẫn rất cần hiện diện ở Raqqa.
Đầu tuần trước, dường như quân chính phủ đã giành được lợi thế so với SDF khi binh lính và các phương tiện thiết giáp vượt qua sông Euphrates tiến theo hướng Đông về phía các giếng dầu. Nhưng những thông tin được trang South Front đưa ra hôm thứ Năm (21/9) lại cho thấy SDF đã chủ động chặn bước tiến của họ.
Trang này dẫn các nguồn tin ủng hộ người Kurd cho biết, ngày 21/9 các lực lượng dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn đã chiếm giữ các giếng dầu ở Tabiyeh và al-Isba, phía Tây-Bắc Deir Ezzor… Nếu những tin tức này được xác nhận, SDF sẽ kiểm soát hơn một nửa trữ lượng dầu của Syria. Điều đó có nghĩa là SDF ít nhất cũng đã phong tỏa một phần bước tiến của SAA về bờ Đông sông Euphrates.
Đây là một trở ngại lớn cho Liên minh do Nga đứng đầu. SAA do Không quân Nga hậu thuẫn sẽ phải chiến đấu với một lực lượng, cho tới thời điểm này, từng là liên minh trong cuộc chiến chống IS.
Đến nay, SDF do người Kurd chiếm đa số, không phải là một đồng minh của SAA, mà là một đối thủ muốn gây dựng chính quyền đặt ngoài sườn phía Đông Syria.
Tin tức về sự dịch chuyển của SDF tới các giếng dầu được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov phát đi cảnh báo thẳng thừng tới Mỹ và SDF rằng, Nga sẽ đáp trả nếu các vị trí của SAA một lần nữa bị súng cối hoặc rocket của SDF tấn công.
"Nga đã nói rất thẳng thắn với các tư lệnh Mỹ ở căn cứ không quân Al Udeid (Qatar) rằng chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất cứ quả pháo nào phóng đi từng những khu vực mà SDF hiện đang đóng quân. Hỏa lực từ các vị trí ở những nơi mà SDF kiểm soát sẽ bị trấn áp bằng tất cả các biện pháp cần thiết," ông Konashenkov cho biết.
SDF đã quyết định tách ra khỏi chính chính phủ Syria dù họ có ở bất cứ đâu. Washington lại đang sử dụng SDF để nắm giữ các giếng dầu và tuyên bố toàn bộ bờ Đông Euphrates là của mình. Không nghi ngờ gì khi những đơn vị chiến đấu của SDF được các Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tháp tùng với vai trò hỗ trợ về thông tin, hậu cần và chiến thuật trọng yếu.
Sáng thứ Sáu tuần trước (22/9), các lực lượng trung thành với Chính phủ Syria, do những chiến binh truy lùng IS của Đơn vị tấn công số 5 thuộc SAA chỉ đạo, đã thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ khu làng Khusham ở bờ Đông sông Euphrates gần thành phố Deir Ezzor.
Ngôi làng nằm ở vị trí chiến lược này phong tỏa tuyến đường chủ chốt kết nối khu vực do SDF nắm giữ với các giếng dầu ở Omar.
Viễn cảnh ác mộng
Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn và các đồng minh của Nga hiện đang hoạt động rất sát nhau ở cùng một mặt trận, cố gắng chiếm giữ cùng một vùng đất nhiều dầu lửa. Điều này dẫn tới nguy cơ cao xảy ra đụng độ lớn trực diện.
Tổng thống Nga Putin là một người cẩn trọng, biết cân nhắc nhưng sẽ không tự nhiên nhượng bộ các lợi ích của Nga. Tổng thống Assad lại càng cần những hóa đơn dầu lửa để tài trợ cho quá trình tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.
Quan trọng không kém, ông Assad cần vùng lãnh thổ phía Đông Deir Ezzor để xây dựng tuyến đường bộ kết nối Beirut với Damascus, Baghdad và Tehran, vẫn được gọi là Siêu cao tốc Ả Rập.
Một trực thăng quân sự Nga bay qua sa mạc Deir Ezzor ngày 15/9. Ảnh: AP
Nhiệm vụ của ông Putin là hỗ trợ chính quyền Assad hàn gắn được lãnh thổ Syria càng nhiều càng tốt để tạo dựng một nhà nước hồi sinh. Vì vậy, trong khi ông có thể cho phép SDF và quân đội Mỹ chiếm đóng một phần phía Đông Bắc, ông khó thỏa hiệp về các nguồn lực quan trọng hay vùng lãnh thổ có vị trí chiến lược.
Như thế, liệu có phải Nga sẽ hỗ trợ các nỗ lực của ông Assad giải phóng các giếng dầu, thậm chí hành động này có thể kích hoạt một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ?
Rất có thể là như vậy. Ông Putin không muốn một cuộc đối đầu trực diện với Mỹ nhưng cũng khó có thể từ bỏ đồng minh.
Vậy nên, thời gian tới đây nhiều khả năng thế giới sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu lớn ở Syria vì chẳng bên nào muốn từ bỏ cái mà họ cảm thấy cần phải đạt được để đi tới thắng lợi.
Khi thế giằng co bắt đầu định hình tại miền Đông Syria cũng là lúc mà hai cường quốc địch thủ Nga – Mỹ đang chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất. Khủng hoảng Syria dường như đang tiến tới thời điểm nguy hiểm nhất của cuộc chiến kéo dài 6 năm này.