Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nước ta không biết đã phải trải qua bao nhiêu trận chiến để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ sự toàn vẹn non sông. Cũng trong khoảng thời gian đó, bao anh hùng, chiến binh với những chiến công lẫy lừng xuất hiện.
Điểm chung của họ chính là lòng yêu nước vô bờ và sự căm ghét quân giặc đến tột bậc. Chính tinh thần đó, lòng yêu nước đó đã hun đúc nên ý chí quật cường để chống lại kẻ thù ngoại xâm và chúng cũng chính là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất giúp đất nước ta có thể chiến thắng được mọi kẻ địch.
Sự hình thành của truyền thống yêu nước Việt Nam
Nhân dân các dân tộc đều có lòng yêu nước của mình. Lòng yêu nước bắt nguồn từ những tình cảm của từng con người đối với người mẹ, người cha, những người anh em ruột thịt và mở rộng ra, với nơi chôn nhau cắt rốn, với những con người và không gian nhỏ hẹp của cộng đồng, nơi mình sinh sống, với mảnh đất mà mình đã "đổ mồ hôi lấy bát cơm đầy".
Từ nhiều nghìn năm trước đây, những người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam đã trải qua những chặng đường lao động gian khổ, nâng cao dần cuộc sống và cùng nhau tiến xuống vùng đồng bằng, châu thổ các con sông lớn.
Bằng lao động và giúp đỡ lẫn nhau, họ từng bước sáng tạo ra nền văn minh Việt cổ để từ đó hợp nhất lại thành một quốc gia – nước Văn Lang. Quá trình giao lưu, trao đổi thường xuyên diễn ra trên đất nước đã phát huy những tình cẩm yêu thương, gắn bó mang tính địa phương, làng chạ trước đây thành một tình cảm rộng lớn hơn, bao quát hơn – lòng yêu nước.
Tranh Đông Hồ Thánh Gióng đánh giặc
Nhưng, những mối quan hệ sơ khai về kinh tế - chính trị của quốc gia Văn Lang cùng những yếu tố văn hoá chung chỉ mới là hạt nhân, là cơ sở của lòng yêu nước.
Thách thức lớn lao được đặt ra khi quân Tần xâm lược và trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, những tình cảm yêu nước của người Lạc Việt và Âu Việt thực sự được thử thách và gắn kết lại. Đánh bại quân xâm lược, nhà nước Âu Lạc ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới của lòng yêu nước.
Tiếp theo, cuộc đấu tranh đầy gian lao, quyết liệt của người dân Việt cổ trong hơn 1000 năm Bắc thuộc vừa chống chế độ đô hộ, giành lại quyền tự chủ, vừa bảo vệ những di sản văn hoá của tổ tiên đã nâng cao và phát triển hơn nữa lòng yêu nước.
Những huyền thoại Cọn Rồng cháu Tiên, Quả bầu mẹ, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, v.v... được lan truyền rộng khắp cùng với việc xây dựng miếu thờ các vị anh hùng chống đô hộ đã thực sự gắn kết, khắc sâu lòng yêu nước của người dân Việt để từ đó hình thành truyền thống yêu nước Việt Nam.
Phát triển và tôi luyện truyền thống yêu nước trong các thế kỉ phong kiến độc lập
Thế kỉ X, đất nước trở lại độc lập, tự chủ với lãnh thổ, tiếng nói, phong tục tập quán, tín ngưỡng riêng, cổ truyền. Đó đâu phải là một hiện tượng ngẫu nhiên.
Nhưng, cuộc sống mới không còn đơn giản như ở thời xa xưa, "buộc nút dây mà làm chính sự". Hơn 1000 năm dưới ách đô hộ của các triều đại phương Bắc, đất nước hầu như bị chững lại trong cảnh nô lệ, lạc hậu, đói nghèo.
Vươn lên về mọi mặt trong xây dựng đất nước vừa là yêu cầu bức thiết vừa là nghĩa vụ, là sự thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, cha anh. Nhưng, không phải chỉ như vậy. Các triều đại phương Bắc vẫn chưa từ bỏ mưu đồ xâm chiếm các nước phương Nam. Nhiệm vụ giữ nước vẫn được đặt ra thường xuyên.
Sông Bạch Đằng là chứng nhân cho nhiều trận đánh hào hùng của dân tộc
Tình hình còn khó khăn, phức tạp hơn trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang trong quá trình phân hoá của chế độ phong kiến.
Truyền thống yêu nước Việt Nam trong hơn 9 thế kỉ tiếp sau đã được tôi luyện và phát triển trong bối cảnh nói trên.
Những cuộc kháng chiến thắng lợi không chỉ làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc với hàng loạt chiến công oanh liệt mà còn khắc sâu thêm tình yêu Tổ quốc trong lòng người dân Việt Nam ở miền xuôi cũng như miền núi.
Sự nghiệp xây dựng và phát triển một nền kinh tế tự chủ và một nền văn hoá vừa gắn liền với truyền thống của tổ tiên thời xa xưa, vừa đổi mới ngang tầm thời đại, đòi hỏi con người không chỉ ở lao động và trí tuệ, tài năng thông thường mà còn ở sự thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm vươn lên, góp phần vào sự nghiệp giữ nước.
Truyền thống yêu nước được tôi luyện và phát huy ngày càng cao. Nhưng, Việt Nam là một nước đa dân tộc. Sự nghiệp dựng nước và giữ nước không chỉ dành riêng cho một tộc người, một địa phương hay một nhóm người, một giai cấp nào mà là sự nghiệp của tất cả các tộc người sống trên đất Việt Nam.
Chính vì vậy, truyền thống yêu nước Việt Nam luôn luôn gắn chặt với ý thức đoàn kết, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trên đất Việt Nam, đoàn kết tất cả các tộc người trên đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trên bước đường phát triển của chế độ phong kiến, không ít kẻ trong giai cấp thống trị vì quyền lợi của giai cấp mình, vì sự giàu sang phú quý của bản thân mình mà đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân hoặc phản bội Tổ quốc hoặc đẩy nhân dân lao động vào cảnh chiến tranh, đói nghèo, khổ cực, tối tăm.
Trong lúc đó, nhân dân ngày càng hiểu rằng nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc gắn liền với cuộc sống hằng ngày của họ. Truyền thống yêu nước là sản phẩm hàng nghìn năm lao động và đấu tranh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đâu phải vì một lợi ích nào đó mà quên lãng.
Lòng yêu nước của họ thật giản đị và trong sáng, song không phải vì thế mà họ không hiểu gì về giai cấp thống trị. Truyền thống yêu nước dần dần mang thêm yếu tố nhân dân, vì dân và thương dân.
Nếu như Trần Hưng Đạo khẳng định "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc" là "thượng sách để giữ nước" và Nguyễn Trãi: "Nhớ thuở Lam Sơn đọc võ kinh; Bấy giờ chí đã ở dân lành" thì người dân lao động cũng hiểu "Mến người có nhân là dân; chở thuyền, lật thuyền cũng là dân".
Bản khắc cổ nhất của Bình Ngô đại cáo trên Mộc bản triều Nguyễn
Nét đặc trưng của truyền thống yêu nước Việt Nam thời phong kiến
Trên thế giới, có lẽ không có dân tộc nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược hay đấu tranh để giành lại độc lập cho đất nước như dân tộc Việt Nam. Đó là nét đặc trưng nổi bật nhất của lịch sử dân tộc.
Đồng thời, chính vì sự sống còn của dân tộc, của Tổ quốc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết lại, nhất trí đồng lòng, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, phát huy mọi tài năng, trí tuệ, chiến đấu đũng cảm giành thắng lợi cuối cùng.
Và cũng có thể nói rằng, chỉ trong kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập dân tộc, ý thức, tình cảm và tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước mới trở nên trong sáng, chân thành và cao thượng hơn bao giờ hết.
Chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc là nét đặc trưng nổi bật nhất của truyền thống yêu nước Việt Nam. Giữa những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.
Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Nhưng chiến tranh dù có dai dẳng đến đâu cũng chỉ là nhất thời, kháng chiến thắng lợi, đất nước trở lại yên bình.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, truyền thống yêu nước tiếp tục được gìn giữ, nhưng sự chi phối của chế độ phong kiến không tạo được khả năng chuyển hoá những nét đặc sắc, cao quý nói trên thành một động lực to lớn, đưa đất nước vươn lên tiên tiến, làm cho cuộc sống của mọi người dân ngày càng tươi đẹp.