Bài viết dựa trên thông tin từ cuốn sách Thiết bị Số Một: Lịch sử Bí mật của chiếc iPhone - The One Device: The Secret History of the iPhone, bài viết nguyên bản được đăng tải trên Motherboard để hưởng ứng kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời, với vô vàn thông tin quý giá từ phóng viên trang tin nổi tiếng này đi tới tận những khu mỏ xa xôi tại Nam Mỹ, để hiểu rõ về cái giá của từng nguyên tố trong iPhone cao bao nhiêu.
Apple nói rằng họ cũng đã dừng hợp tác với một số nhà cung cấp kim loại, tuyên bố được đưa ra sau khi cuốn sách trên được xuất bản, xoáy vào việc những nhà cung cấp trên lạm dụng lao động như thế nào.
Chiếc iPhone nhỏ bé có thể trở thành vô vàn thứ: một thiết bị nghe gọi, một phương tiện giải trí, một công cụ do thám, ...
Nhưng nếu đi từ gốc rễ của nó trở đi, thì bản thân chiếc điện thoại này được làm từ kim loại, quặng đá, đất hiếm và cả những thứ kim loại đắt tiền. Dừng lại ở đây thôi, nếu đi nữa thì ta sẽ vượt qua giới hạn, tới địa phận của vật chất, nguyên tử rồi phân tử, cái đó thì sâu xa quá!
Brian Merchant, phóng viên của Motherboard tự tin rằng mình đã gắn bó với thiết bị Táo này đủ lâu để có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về những thứ tạo nên chiếc chiếc điện thoại “thần thánh”, hay như cách Steve Jobs đã gọi nó, đó là “thiết bị số một - the one device”.
Để tìm hiểu về “gia thế” của một thiết bị như vậy, anh đã nhờ tới sự giúp đỡ của David Michaud, một cố vấn khai khoáng cai quản công ty 911 Metallurgist – một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ luyện kim, nhằm bẻ gãy cấu trúc cái iPhone, xem nó được làm từ cái gì.
Sau khi được gửi về phòng thí nghiệm phân tích của 911 Metallurgist, chiếc iPhone đã trải qua những công đoạn sau:
Đầu tiên, họ cân chiếc máy này lên – được đúng như Apple quảng cáo, 129 gram. Chiếc điện thoại được đưa vào trong một chiếc máy dập chuyên được dùng để đập đá tảng.
Trong môi trường khép kín của thiết bị cục súc này, chiếc iPhone nhỏ bé nằm gọn trên giá đỡ, được một chiếc búa nặng 55 kg đập xuống từ độ cao 1,1 mét.
Chẳng ngạc nhiên khi viên pin lithium-ion bắt lửa gây cháy. Sau khi lửa được dập tắt, tro cốt của chiếc iPhone được thu về, thả và trong một máy trộn công nghiệp.
Những gì còn lại của nó được tán vụn ra thành một thứ bột mịn, tiện cho việc phân tích. “Tôi ngạc nhiên khi thấy chiếc iPhone này khó bị phá hủy như thế”, anh Michaud nói. Một nỗ lực quảng cáo cho Apple đây chăng?
Đây là những gì báo cáo chi tiết của anh Michaud nói về đống bột vụn đã-từng-là-cái-iPhone:
“Nhôm và sắt là hai kim loại chính trong chiếc điện thoại, chiếm tới 38,5% tổng khối lượng cái iPhone. Những kim loại khác như đồng, cô-ban, crom và kền chiếm 17,1% tổng khối lượng. Lithi chiếm khoảng 0,67%.
Một số nguyên tố đáng nêu tên khác gồm có carbon chiếm 15,4%, silicon chiếm 6,3%. Thậm chí còn có một chút arsen trong đó, nhưng không đủ nhiều để trở thành chất độc gây nguy hiểm”.
Phần lớn những nguyên tố còn lại này là đồ bỏ.
“Nó chứa tới 24% nhôm”, Michaud nói. “Bạn có thể thấy vỏ ngoài làm từ nhôm. Chắc hẳn bạn chẳng nghĩ rằng vỏ máy đã chiếm một phần tư cân năng của toàn bộ thiết bị ... nhôm cực kì nhẹ, Nó rẻ tiền; với giá chỉ 1 USD một pound”. Vậy là khoảng 1 USD/0,45 kg.
Nguyên tố oxy, hydro và carbon được sử dụng trong nhiều hợp kim khác, chế tạo nên những phần khác của chiếc máy. Thiếc indi oxit được sử dụng vào công đoạn làm màn hình cảm ứng, nhôm oxit được dùng làm vỏ, và silicon oxit được dùng vào sản xuất microchip – bộ não của chiếc iPhone.
Lượng silicon làm nên 6% cân nặng của chiếc điện thoại. Pin thì tất nhiên nặng hơn thế đôi chút, chúng chứa cả lithi, cô-ban và nhôm.
Nằm bên dưới lớp vỏ kia (và nằm trong đống bột vụn kia) có cả những kim loại quý, nhưng số lượng chẳng nhiều lắm.
Và rất nhiều những thứ quý giá ấy phải trả giá bằng những thứ đắt không tưởng: chúng được khai thác tại những mỏ quặng chẳng có lấy công cụ bảo hộ lao động, điều kiện làm việc thậm chí còn đe dọa trực tiếp tới mạng sống công nhân.
Nhưng biết làm sao giờ, khi mà chiếc điện thoại iPhone quý giá kia cần tới 0,02 gram vonfram để hoạt động – thứ thường được tìm thấy tại mỏ ở Congo. Cô-ban, thứ nguyên tố cần thiết để tạo nên những viên pin iPhone cũng được lấy tại đất nước Congo xa xôi này.
Trong số các nguyên tố góp mặt tạo nên chiếc iPhone, có lẽ vàng là thứ đắt đỏ nhất. Tuy nhiên, “cái giá” của vàng lại không đắt bằng những thứ quặng khác: bởi lẽ mạng người là vô giá, những con người đã bán cuộc sống của mình cho những khu mỏ khai thác quặng.
Nơi họ thực hiện giao dịch ấy là ngọn núi Cerro Rico – ngọn núi giàu có, “rich mountain” như cách mà người dân địa phương đã gọi nó từ thuở xa xưa – nằm phủ bóng lên thành phố Potosí, Bolivia. À, nó còn một tên gọi thân thương khác nữa: “Ngọn núi nuốt chửng con người – The Mountain That Eats Men”.
Một trong những đường vào ngọn núi Cerro Rico.
Nguồn tài nguyên từ đó đã cho phép Đế quốc Tây Ban Nha trỗi dậy mạnh mẽ. Vào hồi thế kỷ mười sáu, 60% bạc của thế giới này tới từ nền đất sâu của Cerro Rico.
Thế kỷ mười bảy chứng kiến sự thịnh vượng của thành bố Potosí, một trong những thành phố lớn nhất thế giới thời bấy giờ, với dân số hơn 160.000 người, tính cả dân địa phương, nô lệ và những nhà buôn, nhà khai thác người Tây Ban Nha.
Người thì cứ dồn đến, mà ngọn núi thì lại hào phóng cho đi tài sản, đồng thời nó cũng “nuốt chửng” lấy từng đợt người về nơi đây, làm việc trong những mỏ sâu, tìm kiếm sự giàu có. Tính ra, khoảng 4 đến 8 triệu người đã bỏ mạng tại đây vì sập hang, nhiễm bụi phổi silic, chết cóng hay chết đói.
Ngày nay, các nhà địa chất học nói rằng quả núi Cerro Rico có thể sập xuống bất kì lúc nào, và kéo theo thành phố Potosí một thời thịnh vượng cùng với nó.
Thế mà hàng ngày, 15.000 người thợ mỏ vẫn làm việc, khai khoáng, cố gắng tìm lấy những thứ kim loại hữu dụng về bán lấy tiền. Rất có thể, chiếc iPhone bạn đang cầm trên tay có thiếc tới từ khu mỏ khổng lồ này.
Và nhóm phóng viên Motherboard cũng đã chấp nhận rủi ro ấy, bước vào khu mỏ để có thể hiểu rõ được cuộc sống, công việc chứa đầy hiểm nguy này.
Dựa trên thông tin lấy từ những cơ sở khai khoáng và xử lý quặng trên toàn thế giới, anh Michaud tính toán lượng quặng cần thiết để tạo ra được một chiếc iPhone. Kết quả cho thấy người ta cần khoảng 34 kg quặng để tạo ra số kim loại cần thiết, tạo nên được một chiếc iPhone nặng 129 gram.
Tổng lượng kim loại để tạo nên chiếc điện thoại có giá trị khoảng 1 USD, và nửa số tiền ấy đã là giá trị của số lượng vàng ít ỏi rồi. Mất vô vàn công sức để khai khoáng, tinh chế quặng mới ra được cái thiết bị nhỏ bé kia.
Năm 2016, có khoảng 1 tỷ chiếc iPhoned được bán ra, và con số ấy tương đương với 37 triệu tấn quặng được khai thác. Lượng đất đá nhiều khổng lồ, và việc khai thác nó để lại không ít hậu quả cho môi trường và cho cấu trúc địa hình những khu mỏ.
Chưa hết, việc tinh chế quặng cũng cần dùng cũng cần tới cyanide – một chất hóa học có tính độc cao, được dùng để phân tách đá ra khỏi kim loại quý.
Theo tính toán, thì để tạo ra một chiếc iPhone duy nhất, ta cần tới 34 kg quặng, 100 lít nước và 20,5 gram cyanide. “Đó chính là điều làm tôi thấy bất ngờ”, anh Michaud nói.
Đúc kết lại, thì những thứ kim loại được lấy lên từ lòng đất bởi những thợ mỏ từ già tới trẻ tại một trong những khu mỏ lâu đời và lớn nhất thế giới, đã từng cung cấp tài nguyên cho một trong những đế chế huy hoàng nhất trong quá khứ, nay lại hậu thuẫn cũng cho một trong những đế chế huy hoàng nhất hiện tại, để sản xuất một trong những thiết bị tiên tiến nhất thời nay.
Tương lai mờ mịt của những đường hầm dài bụi bặm vẫn hiện hữu với những người thợ mỏ ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trần của một căn hầm có thể sập xuống bất cứ lúc nào, để cung cấp những thành phần cần thiết cho những chiếc iPhone hay cả những chiếc điện thoại thông minh ở khắp nơi.
Bên trong những siêu phẩm của thời đại, những đặc điểm mang tính cách mạng đó là những thứ quặng kim loại, đất hiếm đại diện cho nỗi khổ của những người thợ phương xa. Đó là sự thật, nhưng hiện tại, đó là một phần không thể thiếu để tạo nên những thiết bị đại diện cho thế hệ này.