Ai mà chẳng có lúc phải nhịn tiểu cơ chứ? Đang trong rạp chiếu phim, vào đúng cảnh Thanos "bón hành" cho nhóm Avenger thì bạn có dám chạy đi giải quyết nỗi buồn? Hay ngồi giữa lớp học đang hết sức tập trung, bạn có dám đứng lên "thưa cô cho em đi vệ sinh"?
Đa số đều chọn nhịn thôi. Nhưng câu hỏi là có nên hay không, và nhịn thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Tin được không, bạn hoàn toàn có thể nhịn mà chẳng bị sao cả
Đi tiểu là một công đoạn hết sức quan trọng đối với cơ thể người. Đó là cách mà hệ bài tiết hoạt động, khi thận thải ra độc tố và cặn bã trong máu, tích trữ vào bàng quang dưới dạng nước. Bạn xả nó đi và cơ thể của bạn sẽ giống như được thanh lọc vậy, thoải mái vô cùng.
Thông thường, chỉ tầm 1-2 cốc nước là bạn bắt đầu cảm thấy muốn "đi" rồi. Tuy nhiên trong tình huống bắt buộc phải nhịn, thì điều đó có hại không?
Không gì thoải mái bằng... kịp thời
Câu trả lời là không hoàn toàn, vì nó phụ thuộc vào thời gian và tần suất. Khi phải nhịn trong một khoảng thời gian, bàng quang có cơ chế co giãn để tăng kích cỡ lên gấp đôi. Nhờ vậy, cơ thể sẽ thoải mái hơn, thậm chí là chứa thêm nước cũng không sao.
Như trong nghiên cứu của tiến sĩ Bendtsen vào năm 1991, ở các y tá nữ vì tính chất công việc mà phải nhịn tiểu cả ngày, bàng quang của họ thực sự có thể co giãn được. Từ mức thông thường là 500ml nước, lên mức có thể chưa được 1,1 lít nước. Và theo như nghiên cứu thì họ vẫn ổn, hay ít nhất là các tác dụng phụ cũng không được đề cập đến.
Mọi chuyện chỉ "có sao" nếu bạn nhịn với tần suất và thời gian dài
Thứ không sao ở đây chỉ là bàng quang. Vấn đề là bàng quang không phải thứ duy nhất phải co giãn. Ngoài ra còn có cơ vòng ngoài - những bó cơ quan trọng đóng vai trò giống như miệng chai, ngăn nước tiểu lọt ra qua đường tiết niệu. Khi cơ vòng giãn ra, ấy là lúc bạn được "xả lũ".
Nếu cơ vòng bị ép quá mức, bạn sẽ mất khả năng kiểm soát nó. Tình huống này hiếm khi xảy ra, nhưng nó cũng dẫn đến những tình huống khiến bạn chỉ muốn độn thổ, mà đôi khi còn gây nguy hiểm.
Bàng quang không phải thứ duy nhất phải chịu áp lực (ảnh minh họa)
Ví dụ khi bạn mất đi quyền kiểm soát cơ vòng, rủi ro "rỉ nước" khi bàng quang đầy sẽ tăng lên. Bạn cũng có nguy cơ không thể xả hết nước, hoặc phải đi thường xuyên hơn vì bàng quang đầy nước rất nhanh. Nó dẫn đến chứng bí tiểu - một dạng rối loạn chức năng cực kỳ nghiêm trọng.
Đó là chưa kể bàng quang thực chất là một môi trường quá hoàn hảo để nuôi vi khuẩn: ẩm ướt, ấm nóng... Thế nên việc nhịn quá lâu có thể gây nhiễm trùng, hết sức nguy hiểm.
Và đặc biệt hơn nữa, nếu phải nhịn với tần suất quá dài, nước tiểu hoàn toàn có thể trào ngược lại thận, gây suy thận và khiến bạn tử vong nhanh chóng.
Điều may mắn là bạn sẽ khó lòng mà nhịn đủ lâu để cơ thể chạm đến thời điểm mất kiểm soát cơ vòng. Nhưng tại sao phải chịu đựng, trong khi bạn có thể giải phóng cho bàng quang mỗi khi nó cần?
Tóm lại, mấu chốt vấn đề ở đây là bạn có thể nhịn tiểu trong các tình huống khẩn cấp mà không cần phải lo lắng quá về hậu quả. Nhưng đừng để câu chuyện nhịn diễn ra thường xuyên, vì bạn sẽ phải hối hận.
Tham khảo: IFL Science