Mỗi chúng ta có ước mơ, hoài bão riêng và đều muốn đi tới kết quả mỹ mãn. Điều này vô cùng hiển nhiên. Thế nhưng, vẫn còn một sự thật trần trụi khác cũng hiển nhiên không kém.
Đó là thay vì ngưỡng mộ những người đạt được thành công, hạnh phúc trong cuộc sống, thì dường như trong tiềm thức chúng ta lại nảy ra xu hướng ghét họ, cho dù đó là bạn bè hay kể cả người thân.
Lí do để ghét thì có thể liệt kê vô số, nhưng suy cho cùng đều nảy sinh từ một hiệu ứng tâm lý.
Hiệu ứng người ngoài cuộc - hiệu ứng tâm lý đáng sợ
"Hiệu ứng người ngoài cuộc" (Bystander effect) là hiệu ứng tâm lý khiến cho mỗi cá nhân luôn tìm kiếm sự hoà nhập trong cộng đồng, không muốn đi ngược lại số đông. Theo một hướng khác, nó còn khiến những ai muốn tách khỏi "chuẩn" chung sẽ phải chịu sự chống đối từ phần còn lại.
Một ví dụ rõ ràng về tác động của hiệu ứng này là về một người đang hơi mũm mĩm lại cố gắng để có một thân hình đẹp. Điều này tốt thôi, nhưng người xung quanh thì không nghĩ như thế.
Tưởng tượng bạn trong vai nhân vật chính bước vào quá trình tập luyện giảm cân. Lúc bắt đầu chưa chuyển biến gì rõ rệt, bạn thường nhận được nhiều lời động viên kích lệ từ bạn bè, anh chị em, vv,…
Tuy nhiên, qua thời gian nhờ nỗ lực mà thân hình ứ mỡ thuở xưa dần xuất hiện được vài "múi", eo thon dần theo hình đồng hồ cát, thì sự quan tâm bạn nhận được cũng thay đổi một cách kì lạ.
Các chàng trai, họ sẽ nhìn bạn với một ánh mắt săn đón nhiều hơn, vì dù sao đàn ông thì muôn đời vẫn là đàn ông, thích ngắm nhìn phụ nữ đẹp.
Nhưng với chị em khác thì sẽ xuất hiện một số câu nói kiểu như: "Nhìn gầy quá, không đẹp, ăn nhiều lên đi". Nhưng thực ra, sức khoẻ của bạn đang theo hướng tốt lên chứ không phải xấu đi.
Sự biến đổi như vậy là do cảm giác ghen tị đang ngấm ngầm xuất hiện bên trong nội tâm khi nhìn thấy thành quả bạn đạt được. Tuy họ không thể hiện trực tiếp, nhưng điều đó vẫn bộc lộ qua cách góp ý "lệch pha" so với lúc ban đầu.
"Hiệu ứng người ngoài cuộc" đáng sợ ở chỗ không chừa bất kì một ai, quan hệ thân thiết thế nào cũng khó tránh khỏi.
Và đơn giản nếu ngay cả bạn bè, người thân còn cảm thấy bực bội với thành công của nhau thì sự "ghét" chẳng thể nào nhỏ với những người được tung hô là hình mẫu thành công mà chúng ta chẳng hề thân thiết.
Lẽ dĩ nhiên, họ trở thành cái gai trong mắt của rất nhiều người, và dễ dàng bị "ném đá" mỗi khi có cơ hội.
Nói sâu hơn một chút, thì chúng ta thường coi người thành công là sự phản ánh thất bại của phần còn lại. Bởi giấc mơ có ở tất cả nhưng biến giấc mơ thành thật chỉ là số ít. Ai mà không muốn giàu có, body đẹp, địa vị xã hội,…?
Khác biệt ở chỗ người thành công biết cách và quyết tâm có được cái họ muốn, còn đa số người khác thì không đủ điều đó. Hãy hình dung cái cảm giác GATO khi đứa "6 múi hợp nhất" đứng cạnh đứa "6 múi chuẩn" chắc bạn sẽ hiểu.
Cách kiểm soát và đối phó với tâm lý "ghét" người thành công
Có một câu ngạn ngữ của nước ngoài: "Có hai cách xây tòa nhà cao nhất trong thành phố: xây tòa nhà cao hơn tất cả tòa nhà khác, hoặc làm các tòa nhà xung quanh thấp xuống". Đáng tiếc, tâm lý con người thường ngã theo cách thứ 2.
Thế nhưng, chúng ta nắm quyền quản lí suy nghĩ của chính mình, cần hiểu rằng chìm đắm trong sự ganh ghét tiêu cực chỉ "lợi bất cập hại", thay vào đó hãy phấn đấu để được người khác "ghét" mình thì hơn.
Bất kỳ ai cũng có thể không thích bạn ở điểm nào đó, nhưng nếu bị "ghét" vì bạn giàu có, thân hình đẹp, hay tình yêu hạnh phúc thì cũng ý nghĩa lắm chứ.
Người thành công không thể tránh khỏi sự đố kị, chấp nhận thực tế và tiếp tục theo đuổi ước mơ, bỏ qua mọi lời phiến diện xung quanh là cách nhiều người thành công đã vươn lên từ người thường.
Bạn có muốn như họ không?!
Nguồn: Modern Health Monk