Đi tiểu trong hồ bơi chắc chắn là một chuyện cực kỳ sai và đáng ghê sợ, nhưng đau đớn thay đa số chúng ta vẫn làm điều đó ít nhất một (vài) lần trong đời. Lý do thì đơn giản chỉ là lười mò lên bờ giải quyết. Hơn nữa, bể bơi có rất nhiều chất sát khuẩn, đi thế chứ "tè" nữa thì chắc cũng chả sao.
Có điều, hoá ra hậu quả của việc "tè bậy" vào hồ bơi lại thê thảm hơn bạn tưởng rất nhiều. Vì sao ư?
Vì cơ thể chúng ta không sạch như các bạn vẫn tưởng!
Đầu tiên, cần biết rằng một bể chứa nước như các hồ bơi công cộng là môi trường tuyệt vời để thu hút các loài vi khuẩn nguy hiểm, ví dụ như khuẩn đường ruột E. Coli, Giardia, hoặc khuẩn hô hấp Cryptosporidium.
Vậy nên để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, các hồ bơi phải bổ sung thêm chất diệt trùng như chlorine - hoá chất có khả năng sát khuẩn cực kỳ mạnh.
Những vi khuẩn nguy hiểm có thể xuất hiện trong hồ bơi
Có điều, bên cạnh việc sát khuẩn, chlorine có thể phản ứng với gần như mọi thứ trên cơ thể người, bao gồm bụi đất, mồ hôi, kem dưỡng da... Nói cách khác, cơ thể của chúng ta khá là "bẩn", và chlorine thích điều đó.
Khi những thành phần này va chạm nhau, chúng tạo thành một sản phẩm với tên gọi DBP (disinfection byproducts - tạm dịch là sản phẩm sau khử trùng). Và DBP là thủ phạm gây nên một số biến chứng không mong muốn với sức khoẻ của chúng ta.
Cụ thể hơn nếu bạn tiếp xúc với các DBP đủ lâu, nó sẽ gây ra chứng hen suyễn hoặc một số bệnh về đường hô hấp khác.
Khi tiếp xúc với mắt, DBP gây kích ứng và đau mắt đỏ, khiến mắt bạn bỏng rát. Thậm chí nếu người bệnh có thể trạng yếu hoặc không được chữa trị kịp thời, có khả năng thị lực sẽ bị sụt giảm vĩnh viễn.
Và vấn đề ở đây là chlorine cũng phản ứng với nước tiểu nữa. Dành cho những ai chưa biết thì theo như một thống kê ở một hồ bơi công cộng thông thường, trung bình mỗi người có khoảng 30 - 80ml nước tiểu xung quanh, tức là thói quen đi tiểu tại hồ bơi hiện quả là đáng báo động.
Thói quen "tiểu bậy" đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người
Để giảm thiểu hậu quả, phương pháp có lẽ đã quá rõ ràng: Đừng bao giờ tiểu bậy dưới hồ bơi nữa! Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn nên tắm tráng thật kỹ trước khi xuống bể bơi.
Nguồn: Science Alert