Không gì là mãi mãi - Quy luật trên áp dụng cho vạn vật, và tất nhiên, bộ não của chúng ta và những công dụng, khả năng tuyệt vời mà nó mang lại cũng không phải là một ngoại lệ.
Có những năng khiếu bất ngờ trỗi dậy ở độ tuổi trưởng thành, vài khía cạnh khác lại phải làm bạn với thời gian, đợi đến tận quá nửa đời người mới thực sự bộc lộ.
Trong khi các nhà khoa học đã và đang mải mê tiến hành rất nhiều phân tích liên quan đến những góc độ khác nhau về sự nhạy bén của trí não, thì hiện nay một phương pháp mới đã xuất hiện, cho phép chỉ ra những dấu hiệu phân biệt cụ thể giữa đặc điểm của một bộ não "già" hay "trẻ". Đó chính là trò chơi điện tử chiến thuật.
Trong một tập video gần đây của kênh Youtube PBS Digital Studios cùng chương trình nổi bật "It's Okay To Be Smart", nhà sinh học Joe Hanson đã diễn giải những khám phá mới nhất về khả năng của não bộ mà đội ngũ nghiên cứu đã phát hiện ra dựa vào trò chơi điện tử.
Làm rõ hơn cho điều này, Hanson cho biết, các nhà khoa học từ lâu đã sử dụng những trò chơi như cờ vua làm một cách thức để chứng minh nhận định rằng: một vài cá nhân thực sự sở hữu hệ thống não bộ có chức năng xử lý và tiếp thu thông tin tốt hơn hẳn so với những người khác.
Tuy nhiên, chỉ cờ vua cùng cách chơi, nhịp độ hạn chế và đơn giản là chưa đủ để giải thích rõ hơn nữa về cơ chế tương tự của bộ não nếu đặt vào viễn cảnh cuộc sống bên ngoài thực sự. Do đó, các chuyên gia phân tích đang đặt trọng tâm nghiên cứu sang một cái tên mới mà vô cùng quen thuộc: StarCraft 2.
Trong tựa game chiến thuật kinh điển vốn đã không còn trở nên xa lạ với thế hệ thời nay, những người chơi tham gia sẽ có nhiệm vụ phải đánh bại và tiêu diệt toàn bộ lực lượng của kẻ thù.
Cụ thể, ở mỗi bên, các game thủ sẽ phải xây dựng nguồn lực quân sự cũng như tài nguyên khai thác để sản sinh ra thêm nhiều khí tài chiến đấu và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Cuối cùng, việc còn lại phải làm là cố gắng duy trì vị thế lý tưởng nhất có thể, kết hợp giữa phòng thủ căn cứ và tấn công, tập kích để chiến thắng quân địch.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều tiến trình và thao tác cần phải xử lý và quyết định cùng một lúc hoặc liên tục trong một thời gian vô cùng gấp rút.
Thậm chí, với các game thủ chuyên nghiệp, khán giả khó có thể theo dõi qua màn hình chính của anh ấy bởi những kỹ năng điều phối, chuyển đổi qua lại giữa nhiều khu vực màn hình rất điêu luyện, đòi hỏi tốc độ nhanh và chính xác càng cao càng tốt.
Qua đó, đây chính là yếu tố được các nhà nghiên cứu lựa chọn làm thước đo khả năng điều hành, quản lý của não bộ khi đối mặt với những tác động kích thích nhận thức trong thế giới thực.
Bằng việc theo dõi và phân tích hàng ngàn trận đấu StarCraft, họ đã tìm ra mối liên hệ giữa tỷ lệ thắng của những người chơi đối với tốc độ phản ứng, xử lý dữ liệu của não.
Những người thắng cuộc thường "làm" (theo đúng nghĩa đen) nhiều hơn so với số còn lại, bao gồm toàn bộ những thao tác di chuyển đơn vị, đội ngũ, phản hồi lại những thông tin bất ngờ, lập ra chiến thuật phản công sáng tạo...
Theo số liệu thống kê từ Hanson, một người chơi chuyên nghiệp thực sự thường sẽ thực hiện 300 thao tác/phút (đơn vị: APM - chỉ hành động điều khiển và kiểm soát, ra lệnh cho các đối tượng, vật thể tương tác trong game). Thậm chí, con số này có thể lên đến gấp đôi, 600 APM, khi trận đấu đẩy lên cao trào cực điểm.
"Ăn cỗ đi trước" - Câu tục ngữ trên quả thực đúng khi áp dụng trong tình huống này!
Bên cạnh đó, những bằng chứng thu thập được của các chuyên gia đến từ Canada cũng cung cấp nhiều lời giải thích cho cách mà người chơi phản ứng khi nhận thấy một thay đổi bất thường trên bản đồ chung của diễn biến trận đấu.
Khi điều tra trên những game thủ đã qua "tuổi thanh xuân", đặc biệt là sau độ tuổi 24, họ có xu hướng thao tác chậm hơn.
Hanson cũng chỉ ra thêm một minh họa tiêu biểu: Giả sử một game thủ... 39 tuổi có nhịp độ phản ứng chậm hơn so với đối thủ 24 tuổi là 150 mili giây cho mỗi lần biến cố xảy ra.
Như vậy nếu tính tổng thể trên một trận đấu kéo dài 15 phút, số lượng thời gian mà "ông già" kia bỏ lỡ đã lên đến 30 giây - một con số hoàn toàn có thể được tận dụng để đảo ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng.
Tất nhiên, không phải mọi hy vọng le lói của những game thủ kỳ cựu đều bị dập tắt. Khoa học cũng chứng minh rằng khả năng quản lý đa tác vụ trong việc điều phối, kiểm soát yếu tố "tài nguyên" và quân sự thường không có dấu hiệu suy giảm theo tuổi tác, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.
Hãy giữ vững lập trường của mình, tận dụng những kinh nghiệm trong quá khứ, sáng tạo hơn nữa trong mọi khía cạnh - như vậy là quá đủ để có thể hạ gục một chú "ngựa non háu đá" dù mạnh mẽ nhưng vẫn còn ấu trĩ, non nớt.
Tham khảo: TechInsider