Nếu bạn đã nghe nhiều về mấy con quái vật biển đáng sợ hay cuộc sống khó khăn dưới đại dương thì hôm nay, hãy đổi vị với câu chuyện dễ thương giữa tôm và cá.
Cá và tôm: từ kẻ thù hóa bằng hữu
Cuộc nghiên cứu của ĐH Duke (Mỹ) do cô Eleanor Caves dẫn đầu đã tiến hành khảo sát vùng biển thuộc Curacao ở Trung Mỹ, phát hiện 199 pha chạm trán kỳ thú giữa 10 loài cá với 1 loài giáp xác địa phương – con tôm vệ sinh Pederson (tên khoa học: Ancylomenes pedersoni).
Tôm vệ sinh Pederson
Những loài cá lớn ở đây vốn ăn thịt động vật giáp xác bé nhỏ, thế nhưng lại chúng chừa tôm Pederson ra. Lí do vì cá sống dưới đáy sâu nhiễm ký sinh trùng rất nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tuổi thọ. Nhưng may mà có tôm Pederson!
Thỉnh thoảng, tôm sẽ ló đầu ra khỏi chỗ ẩn nấp, để lộ những chiếc sọc vằn sặc sỡ cùng bộ râu ve vẩy. Đây chính là các dấu hiện cho thấy tôm Pederson đề nghị vệ sinh da và miệng cho cá bằng cách ăn lấy ký sinh trùng.
"Bà để cho xỉa chứ bà không ăn"
Đáp lại, cá cũng phải ra hiệu thật nhanh bằng cách làm sẫm màu cơ thể. Nếu không nhận được tín hiệu an toàn này, tôm Pederson sẽ lặn mất tăm.
Còn nếu 2 bên đều đồng ý tiến tới? Khi ấy, tôm liền nhặt lấy ký sinh trùng cho cá, nhờ đó mà đánh chén một bữa no. Chưa hết, dịch vụ cao cấp nhất của tôm Pederson là dùng râu đảo khắp miệng và thân cá, giúp vệ sinh sạch ký sinh trùng đến 80%.
Ở một nơi khác của đại dương – vùng biển thuộc nước Úc và quốc đảo hàng xóm Vanuatu, mối quan hệ cộng sinh giữa tôm và cá cũng được khoa học phát hiện. Lần này là với loài Tôm vệ sinh Thái Bình Dương (tên khoa học: Lysmata amboinensis).
Tôm vệ sinh Thái Bình Dương
Nhìn chung, sự có mặt của tôm vệ sinh rất có ý nghĩa với cuộc đời cá.
Các nhà khoa học đặt giả thiết nếu vì lí do nào đó mà 2 loài tôm vệ sinh mất đi, cá lớn sẽ buộc phải di cư đến nơi khác, còn những loài cá nhỏ không bơi được xa sẽ chết dần chết mòn mà thôi.
Vừa kì cọ vừa chà răng thật tiện lợi
Và bạn sẽ thắc mắc: liệu tôm vệ sinh có thể "xỉa răng" cho con người không?
Có thể, nhưng không nên làm vậy! Tôm vệ sinh có tầm nhìn rất kém nên khi con người lại gần (trong trang phục lặn biển tối màu), tôm vẫn vui vẻ làm vệ sinh cho chúng ta.
Anh Benjamin Titus từ Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên ở New York cho biết, trên thực tế nhiều thợ lặn đã trải nghiệm cảm giác được tôm xỉa răng cho. "Nó rất nhỏ nên hầu như bạn cảm thấy vô cùng êm ái, trừ khi tôm thọc càng vào miệng thì lại... rất đã", anh nói.
Nhưng cảm giác khoan khoái ấy chưa bao lâu thì nhóm nghiên cứu của Titus phát hiện rằng, nếu con người xuất hiện thì các loài cá sẽ lảng tránh ngay.
Ước tính, ở những điểm lặn đã quen mặt du khách, số lượng cá đi đến "nha sĩ tôm" sẽ giảm 50%. Còn chỗ đáy biển nào còn hoang sơ mà đột nhiên thợ lặn xuất hiện, cá sẽ trốn đi hoàn toàn.
Đó là bản năng của loài cá. Trong lúc nhờ tôm làm vệ sinh, cá sẽ đứng yên, phơi mình dưới cột nước nên rất dễ làm mồi cho những loài lớn hơn. Và khi thấy bóng dáng của con người, cá cũng cho rằng đó là mối nguy hiểm. Mà chuyện không thể gặp mặt nhau đối với tôm hay có đều không hề tốt chút nào.
Ngoài ra, việc tôm làm vệ sinh cho người lặn biển có thể dẫn đến một mối nguy khó lường. Khi loài giáp xác này bò quanh miệng, nhiều người sẽ nín thở vì sợ hay phấn khích.
Nhưng điều này lại gây ra tai biến cơ học và nhiễm độc khí, gọi chung là "bệnh giảm áp" vì áp lực nước lên cơ thể đã thay đổi đột ngột. Nói chung cực kỳ nguy hiểm.
Vậy chúng ta nên làm gì đây? Cô Eleanor Caves nghĩ rằng tốt nhất là cứ để yên cho tôm - cá tự nhiên thoải mái với nhau.
Còn con người cứ lặng lẽ quan sát từ xa. Nếu bạn tiếp cận một cách nhẹ nhàng thì sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng đẹp đẽ này của đại dương đó!
Nguồn: NatGeo