Tính đến thời điểm năm 2023, dựa theo số liệu từ những báo cáo, khảo sát lương của các đơn vị chuyên môn uy tín và dựa trên thực tế tuyển dụng của các nhà tuyển dụng thì những công việc được trả lương cao nhất có thể kể đến như: CEO khách sạn, CEO ngân hàng, phi công, quản lý nhân sự, quản lý ngân hàng, lập trình viên,...
Trong đó CEO khách sạn có mức lương cao nhất, dao động từ 90 - 300 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình của CEO người nước ngoài của một khách sạn cao cấp tại Việt Nam là từ 10.000 - 15.000 USD/tháng (tương đương 210 - 320 triệu đồng/tháng).
CEO khách sạn (Hotel Chief Executive Officer) có nghĩa là Tổng Giám đốc điều hành khách sạn, người có chức vụ, quyền hạn cao nhất trong khách sạn. Chịu trách nhiệm điều hành, quản lý hoạt động khách sạn sao cho hiệu quả nhất. CEO khách sạn báo cáo trực tiếp với hội đồng quản trị hoặc chủ đầu tư khách sạn.
Ảnh minh hoạ
Để trở thành một CEO khách sạn bạn cần có bằng cấp chuyên ngành Quản trị khách sạn hoặc các chuyên ngành liên quan. Có kinh nghiệm làm CEO hoặc các vị trí tương đương trong ngành khách sạn. Ngoài ra có khả năng giao tiếp tốt bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, kỹ năng sử dụng máy tính, internet và có hiểu biết về phần mềm khách sạn, kế toán, tài chính, nhân sự, sales marketing; có khả năng lãnh đạo và truyền cảm hứng, kỹ năng quản lý, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề,… và chịu được áp lực công việc.
Chuyên ngành Quản trị khách sạn học những gì? Học ở đâu?
Nói một cách dễ hiểu, Quản trị khách sạn là quản lý và tổ chức các hoạt động của khách sạn sao cho hiệu quả và hợp lý nhất. Ngành này đặc biệt phù hợp với những bạn năng động, nhạy bén trong công việc, có khả năng quan sát nắm bắt tâm lí khách hàng, xử lí tình huống tốt trong những trường hợp khẩn cấp và đặc biệt phải có đam mê, nhiệt huyết trong công việc.
Khi học ngành quản trị khách sạn sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức về nhà hàng khách sạn như quản lý hệ thống phòng, quản lý nhân viên, giao tiếp với khách hàng, chuẩn bị sự kiện, giải quyết rủi ro, đặc biệt am hiểu về rượu và các loại thực phẩm phổ biến tại khách sạn. Hơn nữa bạn có hiểu biết sâu rộng về nhiều văn hóa khác nhau của nhiều vùng miền cũng như các quốc gia trên thế giới.
Tại một số trường đại học, đối với những môn cơ sở, sinh viên sẽ học các môn như: Chính trị, Tin học, Tin học ứng dụng trong kinh doanh khách sạn, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng-An ninh, Ngoại ngữ cơ bản, Kinh tế vi mô, Thống kê kinh doanh, Quản lý chất lượng dịch vụ, Quản trị học, Tổng quan du lịch, Giao tiếp trong kinh doanh, Pháp luật.
Các môn cơ sở ngành bao gồm: Marketing du lịch, Kế toán du lịch - khách sạn, Quản trị cơ sở vật chất và kỹ thuật khách sạn, Quan hệ và chăm sóc khách hàng, An ninh - an toàn trong khách sạn, tiếng Anh chuyên ngành khách sạn; các ngành nghiệp vụ như: lễ tân, nhà hàng, phục vụ buồng khách sạn, chế biến món ăn, thanh toán, Quản trị tài chính doanh nghiệp du lịch - khách sạn, Thực hành nghiệp vụ 1, Thực hành nghiệp vụ 2, Quản trị nguồn nhân lực.
Một số môn chuyên ngành quản trị như: Quản trị buồng khách sạn, đồ uống, lễ tân, dịch vụ hội nghị/hội thảo, doanh thu, dịch vụ giải trí; Marketing dịch vụ lưu trú, Kiểm soát giá vốn, Thiết kế nội thất khách sạn, Tổ chức sự kiện, Quản trị nhà hàng, Ngoại ngữ 2 (tiếng Pháp), Thực hành chuyên sâu (tại cơ sở).
Hiện tại, một số trường đại học đang đào tạo ngành Quản trị khách sạn có thể kể đến như: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội,...