Xem bức ảnh bên dưới, nhiều bạn trẻ lớn lên ở thành thị không thể biết đó là vật gì. Còn những người sống ở nông thôn chắc sẽ nhận ra những đoạn thân cây chuối non, nhưng chúng được chặt khúc để làm gì, tại sao một đầu lại đen sì như vậy, cái gì chứa trong gói giấy báo bên cạnh… thì họ chưa chắc đã biết.
Tuy nhiên, đối với phần lớn những người cắp sách đến trường trước những năm 1990, vật trong ảnh rất quen thuộc. Xem lại thứ từng gắn bó với tuổi thơ và đã biến mất khỏi cuộc sống vài chục năm, nhiều người xúc động, bùi ngùi. Bức ảnh này nhiều lần được chia sẻ trên mạng xã hội kéo theo “cơn sốt” hoài niệm về cuộc sống thời thiếu thốn, khó khăn của những người nay đã ở tuổi trung niên hoặc đã thành ông, thành bà.
Trong bức ảnh là “bộ dụng cụ lau bảng thần thánh” ở các trường học thời mà thầy trò chỉ có bảng đen phấn trắng, còn máy chiếu, máy tính… thậm chí còn chưa có trong tưởng tượng. Để giữ cho chiếc bảng có nền đen đều màu sau khi các thầy cô giáo đã viết lên đó bằng phấn trắng, không thể chỉ đơn giản là cầm giẻ để lau. Bột phấn sẽ khiến tấm bảng lem nhem, không còn đen bóng nữa mà có màu nhờ nhờ, bài học mới được viết lên trở nên khó nhìn.
Để bảo đảm độ tương phản, việc lau bảng cần có nhọ nồi hoặc than củi nghiền thành bột. Dụng cụ lau bảng thường được đóng bằng gỗ có tay cầm dài, phía trên là tấm ván nhỏ hình vuông gắn với giẻ lau được gấp gọn và cố định bằng đinh. Khi cần lau bảng, bạn học sinh trực nhật (có nhiệm vụ làm vệ sinh lớp trong ngày) sẽ thấm ướt phần giẻ này trước khi chấm vào nhọ nồi hoặc bột than rồi di lên những dòng chữ bằng phấn trắng, xóa bỏ chúng.
Nếu cây lau bảng bị hỏng chưa kịp sửa, hoặc lớp không có dụng cụ này, cô cậu học sinh có nhiệm vụ làm trực nhật sẽ nhờ bố mẹ hoặc tự mình vào vườn chặt cây chuối non có phần thân còn bé cầm vừa tay, cắt thành các đoạn dài chừng 30 – 40cm để mang đến lớp. Bạn đó cũng phải lôi hết xoong nồi trong nhà ra cạo lấy phần nhọ bám dày ở đáy và xung quanh, gói lại mang theo; nếu cạo mãi hết sạch cả nhọ nồi thì vào bếp kiếm ít than củi nghiền thành bột.
Khi cô giáo sai lau bảng, bạn học sinh trực nhật sẽ đập tòe một đầu đoạn thân chuối, chấm nó vào gói nhọ nồi để lau. Nhựa chuối kết hợp với nhọ nồi giúp cho tấm bảng nhanh chóng lấy lại màu đen bóng, những dòng chữ bằng phấn trắng viết lên sẽ nổi bật, các bạn ngồi tận hàng ghế cuối cũng dễ dàng đọc được.
Những người có “thâm niên” lau bảng thời xa xưa ấy cho biết, bột nhọ nồi giúp làm đen bảng tốt nhất, nền bảng đen mịn màng, đều màu; còn bột than nghiền thường lổn nhổn, màu sắc cũng không đen bằng.
Độ tương phản của bảng đen phấn trắng đạt mức độ tuyệt vời khi học trò dùng bột than lấy từ những cục pin đã dùng hết điện, loại pin con thỏ “khổng lồ” để lắp vào đèn. Chấm đoạn thân chuối non vào bột than pin con thỏ rồi lau, tấm bảng trở nên đen nhưng nhức, mịn và bóng. Tuy nhiên, nhiều thầy cô không thích học sinh sử dụng nó, vì bảng được lau bằng than pin thường rất trơn, cầm phấn viết rất dễ bị trượt, bột phấn khó thôi ra bảng nên thành ra hàng chữ bị mờ…
Bây giờ, học trò không phải lo chuyện lau bảng nữa, những dụng cụ trên từ lâu đã không còn xuất hiện, chỉ còn nằm trong hoài niệm của những thế hệ đã rời xa mái trường 30 – 40 năm.