Cuối tháng 8/2018, từ một tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ.
VinTech City ra đời trong bối cảnh ấy, được định hình theo mô hình Thung lũng Silicon tại Mỹ. Tìm hiểu những thành tố tạo nên thành công của mô hình tại Mỹ, bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng Giám đốc VinTech City - cho rằng có 3 thành tố chính, gồm: Nhân tài công nghệ, Sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh, và Một hệ sinh thái hỗ trợ.
Mô hình Thung lũng Silicon Việt Nam của Vingroup sẽ bắt đầu trước với 2 bài toán: Nhân lực công nghệ và Sản phẩm công nghệ.
Cụ thể, VinTech City đã ký kết với 54 trường ĐH công nghệ. Thường một doanh nghiệp hợp tác với 1 trường ĐH sẽ theo 3 mô hình: 1- Hợp tác đầu ra, nhắm tới các sinh viên năm cuối hoặc gần cuối; 2- Hợp tác trong đào tạo; 3- Đầu tư theo kiểu trách nhiệm xã hội.
VinTech City đi theo cả 3 hướng đó với 6 chương trình cụ thể, với Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund; Tài trợ lab nghiên cứu; Tổ chức, đồng tổ chức và tài trợ các hội thảo, sự kiện lớn về nghiên cứu ứng dụng và nhân lực công nghệ; Chương trình học kỳ doanh nghiệp; Chương trình đào tạo SAP; Tài trợ và hỗ trợ hoạt động CLB Công nghệ và khởi nghiệp trong sinh viên.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng Giám đốc VinTech City.
Với chương trình Học kỳ doanh nghiệp và Đào tạo SAP, Vingroup sẽ cùng ngồi lại với các trường đăng ký tham gia để xem lại chương trình đào tạo, cùng thiết kế lại một môn học hoặc chương trình mà trường đang giảng dạy.
"Chúng tôi nghĩ hợp tác giữa Vingroup và các trường không chỉ là vấn đề đầu ra, mà muốn đào tạo một sinh viên vừa có chuyên môn vừa có góc nhìn thị trường", Tổng Giám đốc VinTech City, cũng là nữ cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1 cho biết.
Với quỹ VinTech Fund, quỹ này sẽ lựa chọn 10 - 15 dự án, với khoản tài trợ 10 tỷ đồng/dự án.
Bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết, đối tượng thực hiện dự án ưu tiên đến từ 54 trường ĐH liên kết, các Viện nghiên cứu của Việt Nam, đồng thời cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu độc lập, nhưng có điều kiện ràng buộc là phải liên kết, liên doanh với 1 trong 54 trường ĐH VinTech City hợp tác. Trong mối liên kết này, các nhà nghiên cứu có thể chia sẻ nguồn lực mình có, hoặc bằng chuyên môn, hoặc bằng kinh nghiệm, có buổi giới thiệu để các thầy cô cũng như các bạn sinh viên có nhiều góc nhìn về dự án.
Shark Phi cũng nhắc lại câu chuyện "Make in Vietnam", với ý nghĩa là những sản phẩm sáng tạo được tư duy, tạo ra bởi người Việt Nam, được sản xuất bởi người Việt Nam. Và Vingroup đang chung tay cùng cộng đồng để tạo ra những sản phẩm như vậy.