Đây là cách các nước đang dần mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội

Thu Hương |

Họ có thể cung cấp một số bài học cho các nước khác vốn đang tìm kiếm cách thức hợp lý nhất để mở cửa trở lại trong bối cảnh áp lực cả về kinh tế và xã hội từ các lệnh phong tỏa ngày càng tăng.

Người dân ở Cộng hòa Séc giờ đã có thể đi bơi, đến sân tennis và đi mua sắm tại các cửa hàng phần cứng hay cửa hàng bán xe đạp. Áo dự định cho phép các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại sau lễ Phục sinh. Đan Mạch mở cửa trường học từ tuần tới nếu như số ca nhiễm virus corona giữ ở mức ổn định như hiện nay. Na Uy có kế hoạch tương tự 1 tuần sau đó.

Đây là những quốc gia phương Tây đầu tiên bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội đã được áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Họ có thể cung cấp một số bài học cho các nước khác vốn đang tìm kiếm cách thức hợp lý nhất để mở cửa trở lại trong bối cảnh áp lực cả về kinh tế và xã hội từ các lệnh phong tỏa ngày càng tăng.

Đây là 1 bài toán hóc búa. Tuần này WHO đã cảnh báo tình trạng ở châu Âu vẫn là rất đáng lo ngại và "đây chưa phải là thời điểm để nới lỏng các biện pháp". Hiện 7 trong số 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới là ở châu Âu. Và theo nghiên cứu của tạp chí y khoa The Lancet từ thực tế dịch bệnh tại Trung Quốc, không nên dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh phong tỏa trên toàn thế giới trước khi chúng ta tìm được vaccine.

Những quốc gia này có 1 điểm chung: không nằm trong danh sách những nước bị ảnh hưởng nặng nhất ở châu Âu, do họ cũng là những nước đầu tiên ở châu Âu áp dụng chính sách phong tỏa hoặc các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, đồng thời thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.

Theo Tiến sĩ Peter Drobac, chuyên gia y tế tại Oxford Saïd Business School, ở những nước này số ca tử vong chỉ là vài chục hoặc vài trăm chứ không phải hàng nghìn như các nước khác, do đó họ ở vị thế tốt hơn rất nhiều. Và họ cũng nới lỏng phong tỏa dần dần chứ không hề vội vã, để có thể theo dõi sát các ca nhiễm mới và học hỏi. Nếu số ca nhiễm bắt đầu tăng vọt, cách thức sẽ được điều chỉnh.

Đó cũng là cách các nước khác cần làm để tránh được làn sóng thứ hai bùng phát. Theo ông Drobac, các nước muốn mở cửa trở lại cần phải đạt được 3 tiêu chí.

Thứ nhất, họ cần có số ca nhiễm mới đi xuống trong nhiều ngày. Thứ hai, hệ thống y tế phải có đủ khả năng đối phó với tình huống khủng hoảng, ví dụ như có đầy đủ các bệnh viện khẩn cấp. Thứ ba, họ cũng cần sẵn có hệ thống xét nghiệm, theo dõi tiếp xúc và các cơ sở cách ly quy mô lớn.

Đan Mạch "đi trên dây"

Đan Mạch có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại từ ngày 15/4, nếu như tình hình vẫn ổn định. Tuy nhiên, chắc chắn cuộc sống sẽ khác xa so với những gì vẫn diễn ra trước đây.

Chính phủ Đan Mạch vẫn giữ các lệnh hạn chế đi lại, và việc mở cửa trường học trở lại cũng sẽ chia thành nhiều giai đoạn. Lệnh cấm tụ tập từ 10 người trở lên được gia hạn đến 10/5 và tất cả các nhà thờ, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm vẫn phải đóng cửa.

Tất cả các lễ hội và sự kiện tập trung quá đông người vẫn bị cấm cho tới tận tháng 8, theo Thủ tướng Mette Frederiksen. Và Đan Mạch vẫn đóng cửa biên giới.

Ông Frederiksen đã so sánh "điều này giống như bạn đi trên dây". "Nếu đứng im quá lâu thì vẫn sẽ ngã, nhưng đi quá nhanh cũng không phải là giải pháp. Chúng ta cần phải bước từng bước thận trọng".

Quốc gia 5,8 triệu dân là một trong những nước đầu tiên ở châu Âu đóng cửa biên giới hôm 13/3. Cũng trong tuần đó, nước này đóng cửa trường học, quán cà phê và các cửa hàng cũng như tụ tập quá 10 người.

Các cửa hàng ở Séc mở cửa trở lại

Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 12/3, Séc cũng nhanh chóng áp lệnh hạn chế đi lại, hủy bỏ các sự kiện lớn và đóng các hoạt động kinh doanh không cần thiết. Đặc biệt, không giống như các nước châu Âu khác, từ ngày 19/3 Séc đã yêu cầu tất cả 10,7 triệu dân phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Đến nay thì những biện pháp nghiêm ngặt ban đầu đã đem lại thành quả, khi Séc có thể bắt đầu nới lỏng. Kể từ hôm qua, người dân được phép ra ngoài tập thể dục 1 mình và không cần đeo khẩu trang. Các cửa hàng như bán đồ xây dựng, phần cứng, bán xe đạp và cửa hàng sửa xe đạp được phép mở cửa trở lại từ ngày mai.

Các phòng tập dành cho những môn thể thao cá nhân cũng được phép mở cửa trở lại, nhưng không được phép có quá 2 người ở cùng 1 chỗ và họ không được sử dụng phòng tắm.

Áo: Nới lỏng từng bước

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố nước này đang chuẩn bị để mở cửa trở lại sau lễ Phục sinh. Các cửa hàng nhỏ sẽ mở cửa trước, từ ngày 14/4, nhưng người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi đi siêu thị và trên phương tiện giao thông công cộng.

Từ ngày 1/5, tất cả các cửa hàng, trung tâm mua sắm và hiệu cắt tóc sẽ mở cửa, trong khi nhà hàng và khách sạn phải đợi đến sớm nhất là giữa tháng 5.

Ông Kurz cảnh báo những gì xảy ra ở Singapore gần đây cho thấy mối nguy từ dịch bệnh vẫn còn, "những ai tin rằng tình hình vẫn đang được kiểm soát thì đó là quan điểm sai lầm".

Đến cuối tháng 4 chính phủ Áo mới có thể quyết định mở cửa trường học trở lại hay không. Các sự kiện lớn vẫn phải hoãn đến cuối tháng 6.

Tuần trước Áo đã xét nghiệm 1.500 người trên khắp cả nước để đánh giá dịch bệnh lây lan ở mức độ nào. Kết quả cho thấy chưa đến 1% dân số chưa đến bệnh viện dương tính. Trước đó Áo tập trung xét nghiệm những người ốm nặng có triệu chứng liên quan đến virus.

Tính đến thời điểm hiện tại Áo ghi nhận 12.969 ca nhiễm, 295 ca tử vong.

Na Uy: Lạc quan thận trọng

Na Uy có cách tiếp cận khác: ưu tiên việc mở cửa trường học và bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 20/4. Mục tiêu là học sinh tất cả các cấp sẽ quay trở lại trường trước mùa hè.

Đến nay Na Uy xác nhận 6.244 ca nhiễm, 92 ca tử vong vì Covid-19.

Đây là cách các nước đang dần mở cửa trở lại sau thời gian cách ly xã hội - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại