Theo một cuộc điều tra gần đây của Surfshark, một số ứng dụng có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư rất yếu kém. Để đánh giá các ứng dụng này, Surfshark đã phát triển một hệ thống nhằm đánh giá mức độ thu thập và sử dụng dữ liệu của từng ứng dụng.
Trong danh sách này, Facebook và Instagram nổi lên là những ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư người dùng nhất. Cả hai ứng dụng này đều thuộc Meta và số điểm dữ liệu mà Facebook và Instagram đã thu thập được sử dụng để theo dõi người dùng lên đến 32. Điều này bao gồm thông tin nhạy cảm như tên, địa chỉ email, số điện thoại và địa chỉ thực.
Đứng ở vị trí tiếp theo là TikTok - ứng dụng MXH này đã thu thập 24 điểm dữ liệu, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 15 điểm được tìm thấy trên tất cả các ứng dụng được phân tích trong nghiên cứu. Theo đó, TikTok sử dụng ba điểm dữ liệu được thu thập – địa chỉ email, số điện thoại và ID thiết bị của người dùng – cho mục đích theo dõi. Cấp độ thu thập và theo dõi dữ liệu này gây ra những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư, nêu bật nhu cầu về tính minh bạch cao hơn và khả năng kiểm soát của người dùng trong việc xử lý dữ liệu của các ứng dụng này.
Phân tích của Surfshark bao gồm 100 ứng dụng, thuộc 10 danh mục khác nhau. Các ứng dụng này được chọn dựa trên mức độ nổi bật của chúng. Nghiên cứu của Surfshark về các biện pháp bảo mật dữ liệu trong các ứng dụng phổ biến đã tiết lộ những lo ngại đáng kể về việc thu thập và theo dõi dữ liệu người dùng.
Tình trạng này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nâng cao nhận thức và các quy định chặt chẽ hơn về quyền riêng tư dữ liệu để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ lạm dụng thông tin cá nhân.
Theo Tech Wire Asia