Theo Live Science, hồi đầu tháng này, gần 2.000 trận động đất đã làm rung chuyển một khu vực ngoài khơi Canada chỉ trong một ngày. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy lớp vỏ đại dương mới sắp được hình thành thông qua một vụ đứt gãy magma dưới biển sâu.
Các trận động đất nói trên không đe dọa tới con người bởi tương đối nhỏ và tập trung cách bờ biển tận 240 km.
Nhưng chính địa điểm đó - gọi là Endeavour - đã khiến các nhà khoa học nhận thấy đó là một dấu hiệu đặc biệt.
Endeavour là khu vực chứa nhiều miệng phun thủy nhiệt và nằm trên sườn núi Juan de Fuca, nơi đáy đại dương đang tách ra xa nhau, nhưng không phải do hiện tượng hút chìm.
Hút chìm là cách 2 mảng kiến tạo - tức mảnh vỏ Trái Đất - trượt đè lên nhau, trong đó một mảng cõng đáy đại dương bị chui xuống dưới mảng khác, khiến đại dương thu hẹp lại trong một quá trình lớn thay đổi vị trí, hình dạng các đại dương và lục địa gọi là "kiến tạo mảng".
Trong khi đó, ở Endeavour, hai mảng kiến tạo là mảng Thái Bình Dương và mảng Juan de Fuca đang tách rời nhau ra.
Sự kéo giãn lớp vỏ đại dương giữa hai mảng tạo ra các đường đứt gãy tuyến tính và làm mỏng lớp vỏ này, tạo điều kiện cho magma sâu dưới lòng đất dâng lên.
Khi magma lên tới bề mặt, nó sẽ nguội đi và cứng lại, tạo nên một lớp vỏ đại dương hoàn toàn mới.
Dường như tại Endeavour, hiện tượng này xảy ra theo chu kỳ khoảng 20 năm. Vào năm 2005, một loạt trận động đất nhỏ đã xảy ra y hệt những gì vừa diễn ra trong năm nay.
Cho đến nay, sự hình thành và biến đổi của lớp vỏ Trái Đất hãy còn nhiều bí ẩn. Phát hiện mới về cách đáy đại dương tự tái tạo này cũng cấp thêm một mảnh ghép quan trọng.
Các nhà khoa học vẫn đang theo dõi xem về lâu dài, quá trình xảy ra ở Endeavour sẽ còn đưa đến những điều gì.