Đây có thể là ‘lá bài mặc cả’ mà Venezuela dùng để đối phó với Mỹ

Hồng Hạnh |

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Venezuela leo thang, Tổng thống Nicolás Maduro có thể sẽ dùng loại vũ khí hữu dụng này để đẩy lui sức ép từ phía Mỹ. Đó là dầu mỏ.

Theo báo Washington Post, các nhà máy lọc dầu nằm tại vùng Vịnh duyên hải Mexico của Mỹ vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Venezuela để các hoạt động trong nhà máy vận hành hiệu quả. Chỉ tính riêng trong chưa đầy một tháng đầu năm 2019, khoảng 500.000 thùng/ngày dầu thô vận chuyển từ Venezuela nhập khẩu vào Mỹ.

“Dầu mỏ Venezuela rất quan trọng trong quá trình sản xuất dầu diesel tại Mỹ”, John Kilduff – nhà phân tích làm việc tại công ty đầu tư Again Capital (New York, Mỹ) – nhận định. Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ tư vào Mỹ trong tháng 10/2018. Việc ngừng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela có thể dẫn đến giá dầu tăng và gây sức ép cho các nhà máy lọc dầu Mỹ. "Mỹ sẽ chịu tổn hại nặng nề nếu họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela", Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData cho biết.

Các chuyên gia dự đoán một cuộc sụp đổ về kinh tế Venezuela sẽ khiến Tổng thống Maduro sử dụng dầu mỏ xuất khẩu như một vũ khí ngoại giao.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại lạc quan về hoạt động của các công ty dầu mỏ Mỹ khi cho rằng ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của nước này nhằm vào năng lượng Venezuela là không quá lớn.

“75% lượng dầu xuất khẩu thu về tiền mặt đến từ Mỹ”, Scott Modell – Giám đốc quản lý công ty năng lượng Rapidan đồng thời là cựu nhân viên CIA tại Mỹ Latinh – giải thích. Mặc dù Venezuela xuất khẩu một lượng lớn dầu thô sang các đồng minh ngoại giao quan trọng khác như Nga và Trung Quốc, song gần như tất cả lợi nhuận đều bù vào những khoản nợ. “Họ không nhận tiền mặt khi bán lượng dầu thô đó”, chuyên gia Modell cho biết.

Một chuyên gia khác về Mỹ Latinh tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Shannon O’Neil lại cho rằng quyết định ngừng xuất khẩu dầu thô hoặc bất kỳ một nỗ lực nào muốn “đáp trả” Mỹ về kinh tế cũng sẽ gây ra “một hậu quả bất cân xứng tiêu cực” đối với Venezuela thay vì Mỹ.

Điều này được thấy rõ khi chứng kiến diễn biến thị trường năng lượng ngày 24/1 chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập Venezuela, đã tự xưng là Tổng thống lâm thời trước đám đông xuống đường kêu gọi ông Maduro rời nhiệm sở. Tin tức chấn động nhưng chỉ khiến giá dầu tăng một ít và ít có ảnh hưởng đến cổ phiếu các nhà máy lọc dầu Mỹ.

Ngày 23/1, trong cuộc biểu tình do phe đối lập phát động, ông Juan Guaido, Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của Venezuela cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử ở nước này. Lãnh đạo các nước Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ và Cuba đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro, bất chấp Mỹ và nhiều nước phương Tây công nhận ông Juan Guaido.

Phản ứng trước sự công nhận chính quyền khác của Mỹ, Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ đang tìm cách dựng lên một chính phủ song song tại Venezuela, lên án Mỹ can thiệp công việc nội bộ và âm mưu phát động một cuộc đảo chính tại Venezuela, đồng thời tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington. Nhà lãnh đạo cánh tả này đặt thời hạn trong vòng 72 giờ, tất cả các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Caracas phải rời khỏi quốc gia Nam Mỹ. Theo một quan chức Mỹ, nước này sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt vào ngành năng lượng, vàng và các hành động khác nhằm vào quốc gia Nam Mỹ nếu Tổng thống Maduro vượt qua "ranh giới đỏ".

Độc giả đọc bài viết gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại