Triết lý của Elon Musk
Hiromichi Mizuno, cựu giám đốc đầu tư của Japan Government Pension Investment Fund, đã nói với người dẫn chương trình Dan Murphy của CNBC tại World Government Summit rằng: “Tôi không đồng ý về việc bất cứ khi nào Elon nói rằng: “Tôi không ngại Tesla phá sản nếu ai đó khác nghĩ ra một chiếc xe tốt hơn”.
“Tôi nghĩ đó là triết lý của ông ấy nói riêng và triết lý của Tesla nói chung”, Mizuno, người được chọn tham gia hội đồng quản trị của công ty từ tháng 4/2020, chia sẻ.
Trước đây, tỷ phú Elon Musk đã nói rằng nhà sản xuất ô tô điện Tesla có thể đã phá sản nhiều lần trong lịch sử gần 20 năm hoạt động của mình. Chẳng hạn, vào tháng 11/2022, tỷ phú giàu thứ hai thế giới hiện tại cho biết công ty còn "khoảng một tháng" trước khi phá sản trong thời gian chuẩn bị sản xuất chiếc ô tô điện Model 3, từ giữa năm 2017 đến giữa năm 2019.
Tesla đã nhiều lần rơi vào cảnh có thể phá sản
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với câu lạc bộ những người sở hữu xe điện của Tesla, Elon Musk cho biết việc giữ cho công ty không bị phá sản là mối quan tâm “rất lớn” của ông, khi Tesla phải đối mặt với sự gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. Thời điểm đó, ông cũng nhận xét rằng các nhà sản xuất ô tô nói chung “có nhiều khả năng phá sản”.
Ngoài nhiều dự án kinh doanh khác của mình, bao gồm công ty hàng không vũ trụ SpaceX, năm ngoái, Elon Musk cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty truyền thông mạng xã hội Twitter và theo đuổi những thay đổi chiến lược mạnh mẽ khác, từ sa thải hàng loạt nhân viên đến nỗ lực tích cực điều hướng hoạt động để hướng tới lợi nhuận.
Các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi liệu Elon Musk có đang bị phân tâm hay không, vào thời điểm Tesla phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng, sự bất ổn về kinh tế vĩ mô và sự giám sát của các cơ quan quản lý.
Suy nghĩ về khối lượng công việc ngày càng nhiều của Elon Musk, ông Mizuno nói đùa rằng ông không chắc liệu vị tỷ phú này thực sự là “con người hay người ngoài hành tinh”.
Tuy nhiên, ông Mizuno cho biết mình rất ngưỡng mộ sự kiên trì của ông trùm công nghệ. “Elon Musk dường như có những khả năng đáng kinh ngạc đối với khối lượng công việc của mình.”
Ông Mizuno không phải là nhà đầu tư và thành viên HĐQT Tesla duy nhất ủng hộ CEO của công ty. Tháng trước, David Wallerstein, giám đốc “eXploration” của Tencent, nói rằng ông vẫn tin tưởng Tesla sẽ “tiếp tục thổi bùng tâm trí của chúng tôi với những gì họ làm với công nghệ”, bất chấp sự phân tâm của Elon Musk.
Ông Mizuno cho biết thêm, mặc dù Tesla đã đạt được tiến bộ trong việc đạt sản lượng và doanh số hàng trăm nghìn chiếc (năm ngoái, công ty đã giao 1,31 triệu xe điện trên toàn cầu), hơn 80% doanh số bán hàng của ngành ô tô vẫn đến từ những chiếc xe không chạy hoàn toàn bằng điện.
Khiến thương hiệu 85 tuổi cần phải học theo
Ferrari và Tesla hầu như không có điểm chung, ngoài việc họ cùng sản xuất những chiếc xe siêu nhanh - dù cách tiếp cận khác nhau.
CEO Benedetto Vigna của Ferrari không hề ngại thừa nhận rằng hãng siêu xe Italy có tuổi đời gần 85 năm thực sự cần học hỏi rất nhiều từ một công ty khởi nghiệp xe điện mới chỉ 20 năm tuổi.
Ferrari đang có kế hoạch tăng tỷ lệ xe điện lên 40% trong tổng doanh số vào năm 2030, vậy hãng siêu xe Italy có thể phải học hỏi Tesla.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg, ông Vigna nói rằng Tesla đã ghi dấu bằng sự thay đổi nhanh chóng trong ngành ô tô vốn bị thống trị bởi động cơ đốt trong. Khi được hỏi rằng Ferrari học được gì từ Tesla, ông cho biết đóng góp lớn của Tesla cho ngành ô tô là vai trò như một "hồi chuông báo thức".
"Mọi việc từng diễn ra rất đơn giản và thông thả. Nhưng rồi, Tesla xuất hiện và khuấy động ngành ô tô, đẩy nhanh mọi thứ lên. Tất cả đã phải khẩn trương hơn và nhạy bén hơn", Vigna nói.
Tuy vậy, ông không coi Tesla là đối thủ, dù nói rằng thương hiệu siêu xe Italy đang chuẩn bị cho sự ra mắt của mẫu xe điện đầu tiên vào năm 2025, trước khi xe có mặt trên thị trường vào năm 2026. "Với tôi, đó là một chiếc xe thực tế", ông trả lời khi được hỏi ý kiến về Tesla.