Đây chính xác là lý do người bị cận hay phải nheo mắt

Mỹ Huyền |

Không chỉ những người bị cận mà người có thị lực bình thường khi nheo mắt lại đều nhìn thấy rõ ràng hơn.

Nheo mắt dẫn đến hai phản ứng giúp bạn nhìn khung cảnh xung quanh một cách chi tiết hơn. Thứ nhất, hành động này giúp thay đổi hình dạng mắt, cho phép ánh sáng hội tụ tốt hơn. Thứ hai, nó làm giảm lượng ánh sáng truyền đến mắt từ các hướng.

Để hiểu được nguyên nhân, trước hết chúng ta cần hiết cấu tạo và cách mắt hoạt động:

Về bản chất, mắt chỉ nhận biết được ánh sáng nhờ não bộ. Đáng lưu ý là thuật ngữ "ánh sáng" đề cập đến mọi loại bức xạ điện từ, bao gồm: tia gamma, tia X, tia cực tím, ánh sáng nhìn thấy, tia hồng ngoại, sóng vi ba và sóng vô tuyến.

Ánh sáng nhìn thấy chỉ các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ có thể nhìn thấy bằng mắt thường, cho phép con người nhận biết được các màu sắc và vật thể.

Đây chính xác là lý do người bị cận hay phải nheo mắt - Ảnh 1.

Lớp ngoài của mắt là củng mạc, khiến cho mắt có hình dạng như chúng ta thấy. Phía trước củng mạc có một lớp trong suốt gọi là giác mạc. Mọi ánh sáng vào mắt đều phải qua giác mạc.

Lớp tiếp theo là màng mạch, gồm rất nhiều mạch máu cung cấp dưỡng chất cho mắt. Trên màng mạch có mống mắt và thể mi giúp điều khiển thủy tinh thể. Cùng với giác mạc, thủy tinh thể làm khúc xạ ánh sáng đi vào mắt và hội tụ trên võng mạc.

Võng mạc có hai loại tế bào giúp nhận diện ánh sáng là tế bào hình que và tế bào hình nón. Khi ánh sáng tác động đến hai loại tế bào này, nó phản ứng với các sắc tố thị giác trong chúng, rồi gửi các tín hiệu theo dây thần kinh thị giác vào não.

Có đến 120 triệu tế bào hình que trong mắt người, nhưng chỉ có khoảng 6 – 7 triệu tế bào hình nón. Tế bào hình que cũng nhạy cảm với ánh sáng hơn, giúp con người có thể nhìn được trong điều kiện ánh sáng yếu.

Nó cũng cảm nhận được chuyển động tốt hơn bên ngoài điểm vàng, điểm hội tụ rõ nhất trên võng mạc. Tuy nhiên tế bào hình que không thể phân biệt được màu sắc.

Ngược lại, các tế bào hình nón nhận biết màu sắc và chúng cần nhiều ánh sáng hơn tế bào hình que. Do đó, tế bào hình nón giúp ích rất lớn trong điều kiện sáng bình thường hoặc sáng chói.

Đây chính xác là lý do người bị cận hay phải nheo mắt - Ảnh 2.

Tế bào hình nón có đến ba loại, mỗi loại lại nhạy cảm với một trong ba màu là xanh da trời, xanh lá cây và đỏ. Qua đó, chúng giúp chúng ta nhận biết được mức độ khác nhau trong phạm vi của một màu.

Tế bào hình nón tập trung nhiều nhất tại điểm vàng. Chính giữa điểm vàng có một hố nhỏ gọi là hố võng mạc. Khu vực này chỉ chứa các tế bào hình nón liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng giúp cho mắt thấy được hình ảnh ở độ phân giải cao nhất.

Ví dụ khi bạn tập trung nhìn vào một thứ, như đang đọc bài viết này chẳng hạn, mắt liên tục chuyển động để khúc xạ ánh sáng truyền từ các chữ viết đến thẳng đến hố võng mạc, cho bạn hình ảnh chi tiết nhất.

Khi mắt mở hoàn toàn, ánh sáng từ nhiều hướng truyền vào mắt. Tất cả sóng ánh sáng đó được xử lý bởi tế bào hình que và hình nón ở những khu vực khác nhau trong mắt.

Nếu nheo mắt lại, bạn đã làm giảm lượng ánh sáng từ nhiều phía, khiến ánh sáng bây giờ dễ dàng hội tụ hơn. Hãy tưởng tượng việc này giống như bạn ở trong một căn phòng rất đông người, những tiếng ồn không mong muốn sẽ lấn át âm thanh mà bạn muốn nghe.

Thủy tinh thể có thể thay đổi hình dạng, điều tiết ánh sáng đi vào mắt. Nếu thủy tinh thể của bạn dị tật bẩm sinh hoặc mất tính đàn hồi do cận thị, khả năng hội tụ ánh sáng lên hố võng mạc sẽ giảm.

Bằng cách nheo mắt, chúng ta thay đổi được hình dạng của mắt, dù rất nhỏ nhưng cũng giúp thủy tinh thể hội tụ ánh sáng chuẩn xác hơn.

Nhìn chung, cận thị hay viễn thị đều gây nhiều bất tiện trong cuộc sống. Vậy nên hãy quan tâm đến bảo vệ và chăm sóc cho đôi mắt của bạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại