Sáng 8-10, tiếp tục Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 đối với Luật Nhà giáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện các nội dung chính sách.
Luật Nhà giáo dự kiến áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong chương quy định tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo, tại Điều 25 về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định "lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp". Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Điều 26 dự thảo Luật cũng quy định nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, trong đó có chính sách miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập tới một số hiện tượng "đau xót", ảnh hưởng hình ảnh nhà giáo, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng vừa qua.
Điển hình trong đó là vụ việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính; hình ảnh cô giáo "thân mật" quá mức với học sinh ngay tại lớp học; hay vụ việc liên quan đến nhiều giáo viên, thủ quỹ có sai phạm trong thu tiền của học sinh…
"Tôi thấy rất đau xót! Từng là nhà giáo, ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em, được dạy rất nhiều kỹ năng, kể cả thầy cô giáo không nên mặc quần áo quá sặc sỡ khi lên lớp vì có thể gây ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh"- bà Nguyễn Thanh Hải bày tỏ.
Đối chiếu với các điều quy định về đạo đức nhà giáo, đại biểu tán thành với quy định, nhà giáo phải là chuẩn mực về nhận thức, thái độ, hành vi trong mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp và gia đình người học.
Theo bà Hải, từ trước đến nay, các thầy cô giáo luôn là hình ảnh mẫu mực, chuẩn mực. Có ý kiến lý giải rằng cô giáo huy động quyên góp, hay việc lạm thu trong nhà trường có thể do chế độ lương, đãi ngộ thấp...
"Nhưng thực ra, từ trước đến nay, thầy cô giáo có thể hoàn cảnh kinh tế không giàu có, song tấm lòng đạo đức rất giàu có. Tôi rất kỳ vọng vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo tại Điều 30 dự thảo luật được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn"- bà Hải cho hay.
Cần 9.200 tỉ đồng/năm, nguồn này ở đâu?
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn và cho rằng báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ cần làm rõ điều kiện cho các đối tượng là nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, chính sách hỗ trợ miễn học phí...
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ thì nguồn hỗ trợ của Nhà nước với chính sách này tương đối lớn, cần khoảng 9.200 tỉ đồng/năm.
"Nguồn này ở đâu? Lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm?"- Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải đánh giá kỹ lưỡng hơn, đảm tính khả thi, công bằng trong tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.
"Bây giờ ước tính kiểu gì, các đối tượng khác thì sao? Khi ban hành luật này ra có đảm bảo công bằng không? Luật này được ngành giáo dục quan tâm nhưng là luật khó, phạm vi tác dụng lớn, có nhiều nội dung phức tạp, phải khẩn trương nhưng thận trọng, kỹ lưỡng. Đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT hết sức quan tâm; các bộ, ngành khác, nhất là Bộ Tư pháp cần "gác" về nội dung, câu chữ"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận dự thảo lần này đã khắc phục được nhiều điểm "gợn" của dự thảo trước nhưng lại có một số quy định "cứng", không trên tinh thần tạo điều kiện tốt hơn cho nhà giáo, ví dụ quy định về thuyên chuyển công tác.
"Cứ cái gì tốt hơn cho nhà giáo là tôi ủng hộ, nhưng cũng không nên đưa vào những quy định khiến người khác nhìn nhận như "đặc quyền, đặc lợi", không phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội (vừa được Quốc hội thông qua), Bộ luật Lao động"- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.