Sau 2 mùa tham dự chương trình Shark Tank, Shark Dzung nổi tiếng bởi tâm huyết với giới khởi nghiệp, ông được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong làng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.
Tính đến nay, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan đã chạm vào, rót vốn đầu tư, là người đồng hành cùng tạo dựng thành công cho gần 30 công ty, trong đó nổi bật phải kể đến Vật giá, Tiki, NhacCuaTui, Vicare, Topica, Batdongsan, Vexere, CleverAds,… và gần đây là Luxstay với hàng loạt vòng gọi vốn.
Với gần 12 năm kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm, Shark Dzung thường đánh giá startup trên bốn phương diện: quy mô thị trường, đội ngũ công ty, sản phẩm và lợi thế cạnh tranh.
Song dù ý tưởng được đánh giá cao và thu hút vốn đầu tư “khủng” nhưng đa phần các startup được Shark Dzung đầu tư vẫn phải ngậm ngùi đứng trước kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, mức lỗ lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Làm startup vốn đã khó, vận hành và phát triển làm sao tốt có lẽ còn khó hơn giữa một cuộc chơi cực kỳ khốc liệt của thị trường tại Việt Nam. Nhóm startup lỗ nhiều nhất vẫn là trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) bởi ngành này vẫn thường được ví von là "cuộc đua nướng tiền" của đại gia.
Một ví dụ có thể nhắc đến là câu chuyện Tiki lỗ 1.200 tỉ đồng chỉ trong 3 năm. Mặc dù Tiki đang đứng thứ 4 thị trường doanh nghiệp TMĐT, đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhưng việc lỗ không thể tránh khỏi.
Dù mở rộng đơn hàng lên gấp 3-4 lần, tăng từ 100.000 mặt hàng lên 300.000 mặt hàng nhưng Tiki vẫn lỗ lũy kế khoảng 179 tỉ và 282 tỉ đồng vào năm 2016 và 2017. Tiki tiếp tục nhận được vốn đầu tư từ VNG và JD.com nhưng mức lỗ của Tiki năm 2018 lên đến 757 tỉ đồng.
Ngoài mảng thương mại điện tử, các startup thuộc mảng công nghệ thực phẩm (foodtech) và công nghệ tài chính (fintech), gọi xe, giao đồ ăn được shark Dzung đầu tư vào như Topica, Nhaccuatui, Batdongsan, Foody cũng đang ghi nhận lỗ.
Cuộc chơi dài hơi
Với bất kỳ một startup nào, việc gọi được vốn là từ các nhà đầu tư uy tín không hề dễ. Đứng từ góc độ ngoài cuộc, khá nhiều câu hỏi được đặt ra khi các nhà đầu tư sẵn sàng “bơm” rất nhiều tiền cho các công ty gọi vốn trong cuộc chiến khốc liệt của thị trường.
Ngoài việc ghi nhận tâm huyết và sứ mệnh hỗ trợ cộng đồng của startup, giới đầu tư công nghệ đều hiểu rõ cuộc chiến nào cũng cần phải có những “tay chơi” muốn đốt nhiều tiền để xây dựng hạ tầng, đội ngũ chiếm lĩnh thị trường.
“Các quỹ đầu tư mạo hiểm hiểu được rằng cuộc chơi của startup nền tảng là cuộc chơi dài hơi. Và việc mình phải chấp nhận thua lỗ là chuyện mặc định đương nhiên.
Những khoảng thua lỗ trong kiểm soát, công ty vẫn đang tăng trưởng thì không gọi là thất bại vì chúng ta có cùng một đích phát triển trong tương lai” – Shark Dzung từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn xoay quanh câu chuyện startup “khủng” tại Việt Nam thua lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Để đầu tư vào một startup công nghệ, Shark Dzung luôn sẽ dựa trên công thức 3P, 1C: Places, People, Product, Competitive advantage. Điều này tương ứng là các yếu tố về quy mô thị trường, đội ngũ thực hiện dự án, sản phẩm và lợi thế so sánh.
Trong đó yếu tố về con người được Shark Dzung đánh giá cao bởi ông luôn muốn đầu tư vào con người, giấc mơ lớn, từ đó tạo ra các công ty có giá trị, thay đổi cuộc chơi trên thị trường. Một khi đã chấp nhận đầu tư thì không quan tâm lợi nhuận ngắn hạn, mà phải hướng tới giá trị lâu dài và thu lợi nhuận lớn trong tương lai.
“Quyết định đầu tư chính là vào con người. Mình có thể đổi được mô hình kinh doanh, sản phẩm nhưng không thay đổi được con người. Founder đó là linh hồn của công ty.
Nếu thay đổi founder thì nó đã chuyển thành công ty khác. Và startup về nền tảng thường có câu câu winner take all (tạm dịch: người thắng cuộc là người có tất cả). Chính vì thế hoặc là hoặc là phải chạy cho nhanh, hoặc là tụt lại phía sau” - Shark Dzung nhấn mạnh thêm.
“Lỗ” nhưng không “thua lỗ”
Theo thống kê sơ bộ từ Topical Founder Institute (TFI) cho thấy, năm 2017 Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư vào startup với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số thương vụ và tăng gần 50% về giá trị vốn đầu tư so với năm 2016.
Đến năm 2018, lượng startup Việt nhận được đầu tư và giá trị tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, năm 2018 tổng số vốn đầu tư vào startup Việt lên đến 889 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2017.
Ngoài ra, cũng theo thống kê của TFI, lượng startup thu hút vốn thành công dựa vào các nền tảng công nghệ đang tăng mạnh tại Việt Nam. Do đó, nếu nhìn một cách khách quan cho thấy hầu hết công ty công nghệ xây dựng nền tảng đều không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ ở giai đoạn đầu.
Nhưng những chỉ số đánh giá tiềm năng phát triển của nền tảng như tỷ lệ người dùng, phần trăm khách hàng quay lại sử dụng và nguyên nhân khiến họ trung thành với dịch vụ chính là kết quả để Shark Dzung yên tâm rót vốn đầu tư.
Chưa kể, tiêu chí “lỗ” chỉ là một phần trong bài toán tổng thể về sự phát triển của một công ty.
Trên thực tế, thị trường có rất nhiều công ty mà Shark Dzung đã exit thành công như batdongsan.com.vn (mua lại bởi Property Guru Singapore, Foody (SEA mua lại)… Ngay cả bài toán của Tiki hay Topica dù có thua lỗ, đốt tiền thì giá trị của những công ty này liên tục tăng.
Các gã khổng lồ thương mại điện tử trên thế giới cũng từng trải qua giai đoạn tương tự. Ví dụ Amazon kinh doanh lỗ 20 năm nhưng đây là công ty giá trị nhất thế giới với trị giá thị trường 1.000 tỷ USD.
Hay Alibaba phải mất 5 đến 10 năm để thu hút khách hàng nhanh lên tới hàng triệu người để rồi trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc. Điểm chung là tất cả các công ty này sau một thời gian kiên trì đều làm thay đổi thị trường, thói quen người dùng.
Trong đầu tư, chấp nhận lỗ để phát triển và thua lỗ đáng báo động là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Hiểu được tầm nhìn, quan điểm đầu tư của Shark Dzung, ông Steven Nguyễn – CEO Luxstay chia sẻ: “Shark Dzung luôn khuyên tôi hãy mơ lớn, tầm nhìn xa, xây dựng doanh nghiệp và sản phẩm tầm cỡ có thể giải quyết những vấn đề của xã hội, thay đổi xu hướng người tiêu dùng là mục tiêu lớn nhất”.