Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang tại cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Trị về một số nội dung liên quan đến GTVT tại địa phương này.
Đối với dự án Cảng hàng không Quảng Trị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện nay dự án đã có trong quy hoạch và được đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 theo hình thức PPP, do vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi để sớm triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Trao đổi với PV, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện UBND tỉnh đã trình báo cáo khả thi dự án lên hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương do Thủ tướng Chính phủ lập.
"Sau khi hội đồng thẩm định liên ngành họp thông qua nội dung báo cáo thì báo cáo mới được chuyển lại cho UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Đây là một trong các thủ tục triển khai dự án vì trước đó dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư", ông Lê Đức Tiến cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, sau khi báo cáo khả thi được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
"Nhanh nhất thì trong tháng 10 này sẽ thông qua báo cáo khả thi dự án. Nếu được thông qua sớm thì trong tháng 11 hoặc tháng 12 tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Còn nếu không thì việc lựa chọn nhà đầu tư phải lùi lại đầu sang năm", ông Tiến thông tin.
Được biết, bên cạnh trình hội đồng thẩm định thông qua báo cáo khả thi dự án, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có thông báo về việc tham vấn thêm ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, các hãng khai thác bay, các nhà đầu tư về chiến lược phát triển Cảng hàng không Quảng Trị.
Theo đó, nếu có nội dung tham vấn hay mang tính khả thi cũng như có thể góp phần phát huy hiệu quả dự án thì tỉnh Quảng Trị sẽ xem xét bổ sung vào báo cáo khả thi dự án.
Trước đó, ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, quy mô dự án theo quy hoạch: Cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch là 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác code C hoặc tương đương. Cảng hàng không Quảng Trị sẽ có 5 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E).
Quy mô đầu tư của dự án gồm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến là 5.822,9 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.
Trong đó, ở giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng các công trình cơ bản của sân bay Quảng Trị đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của sân bay khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.
Giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại sân bay vào năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm.
Đồng thời, xây dựng các văn phòng cơ quan nhà nước và các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không phù hợp với quy hoạch.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại 2 xã Gio Quang và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tổng diện tích thực hiện dự án là trên 265,3ha.
Hiện nay, Tập đoàn T&T được xem là nhà đầu tư có nhiều động thái nhất trong việc thực hiện dự án khi đã đề xuất chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án với UBND tỉnh Quảng Trị.