Cụ thể, thành tích ở lượt chung kết diễn ra tối 21/8 tại Jakarta của Ánh Viên là 4 phút 42 giây 81. Kết quả này khiến cho Ánh Viên chỉ đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp, và thua khá xa so với người về đầu, VĐV người Nhật Bản Ohashi Yui (4 phút 34 giây 58).
Tại Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil), Ánh Viên từng đạt thành tích 4 phút 36 giây 85. Tức là so với 2 năm trước, cô thậm chí còn kém đi. Nếu chỉ đạt ngang bằng thông số cũ, Ánh Viên có thể đã hơn cả người về nhì ở cự li 400m hỗn hợp Asiad 2108, Kim Seoyeong. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới điều này?
Có 2 điểm đáng chú ý trong việc tập luyện của Ánh Viên nhiều năm vừa qua. Thứ nhất là vai trò mờ nhạt của chuyên gia ngoại, vốn hầu như không thấy ngành thể thao đề cập tới. Người gắn chặt với Ánh Viên là HLV trưởng Đặng Anh Tuấn.
Trong khi đó với những VĐV tài năng của Việt Nam, thường ngành thể thao đều tạo điều kiện tập huấn nước ngoài, do chuyên gia ngoại hướng dẫn.
Ánh Viên chịu nhiều sức ép về thành tích
Trước Asiad 2018, bản thân ông Đặng Anh Tuấn cho biết Ánh Viên có lúc rơi vào trạng thái trầm cảm vì sức ép, phải nhờ tới bác sĩ tâm lý điều trị.
Điểm thứ 2 được nhiều người nhắc đến suốt 2 năm vừa qua, là việc Ánh Viên có dấu hiệu bị "khai thác" triệt để cho thành tích ở các giải trong nước lẫn khu vực.
Sau SEA Games 2015 toả sáng rực rỡ ở Singapore, 2 năm sau đó tới SEA Games 2017 ở Malaysia, Ánh Viên vẫn phải đăng ký thi hàng loạt nội dung để tranh chấp huy chương. Cô sau đó tiếp tục được đăng ký dự thi ở giải VĐQG. Năm 2015, Ánh Viên đoạt 16 HCV ở giải bơi lội VĐQG. Tới năm 2017, cô tiếp tục được đăng ký tới 17 nội dung thi đấu.
Thật kỳ lạ khi ngành thể thao ngắm tới đấu trường Asiad và Olympic, nhưng VĐV xuất sắc nhất phải dàn trải quá nhiều nội dung chỉ để phục vụ đòi hỏi về thành tích.
Tại SEA Games 2017, báo chí đã đặt vấn đề này với Phó Tổng cục trưởng kiêm Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn, nhưng câu trả lời từ ông Phấn không đem lại sự thoả mãn. Vai trò của Tổng cục TDTT đối với quá trình tập huấn của Ánh Viên cũng rất không rõ ràng.
Nói Ánh Viên lại thấy cần nhắc tới trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Thất bại của các VĐV Việt Nam tại Asiad 2018 cũng như Olympic trước đó một lần nữa mới cho thấy giá trị thực sự 2 tấm huy chương (1 vàng, 1 bạc) xạ thủ Quân đội từng đoạt được tại Thế vận hội 2016.
Đằng sau đó là những nỗ lực rất lớn của HLV Nguyễn Thị Nhung. Nhưng đãi ngộ và sự quan tâm của ngành thể thao đối với cả 2 cũng như bộ môn bắn súng thật sự khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Người đi trước, kẻ đi sau, những tài năng của thể thao Việt Nam thật gian nan để có thể phát huy được hết tiềm năng, cũng như lay động người kế tiếp.