"Bộ sậu" của ông Tập thiếu nhân tố chủ chốt vì...
Ngày 16 - 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt tại Ấn Độ tham gia Hội nghị thượng định nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS và gặp gỡ lãnh đạo các nước thành viên của Sáng kiến vùng vịnh Bengal về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa khu vực BIMSTEC.
Đáng chú ý là, trong tất cả các cuộc hội kiến với lãnh đạo các nước như Nam Phi, Nepal, Nga, Myanmar, Sri Lanka, đoàn tùy tùng của Tập Cận Bình thường đầy đủ nhân vật cấp phó quốc gia chủ chốt.
Bao gồm Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Vương Hộ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, "bộ sậu" của nhà lãnh đạo Trung Quốc lại không thấy có sự góp mặt của ông Chu Tiểu Xuyên.
Chu Tiểu Xuyên vốn được mệnh danh là "Quý ông Nhân dân tệ", là trợ thủ đắc lực thường tháp tùng ông Tập trong các hội nghị thượng đỉnh như: BRICS, APEC, G20...
Đồng thời, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chu Tiểu Xuyên, Vương Hộ Ninh, Lật Chiến Thư và Dương Khiết Trì là những nhân vật được sắp xếp ngồi cùng chuyên cơ với ông Tập Cận Bình trong lần tham dự hội nghị BRICS lần này.
Do đó, sự vắng mặt của Chu trong cuộc trao đổi song phương Trung - Ấn dấy lên nhiều suy đoán trái chiều của giới truyền thông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Sự hờ hững từ phía New Delhi
Ngoài ra, điểm khác biệt trong nội dung cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Modi và với các nhà lãnh đạo khác cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, trong các cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Nepal, Nga, Sri Lanka, Tập Cận Bình đều nhấn mạnh sáng kiến Một vành đai, một con đường. Sáng kiến này vốn được coi là một công cụ để hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập.
Tuy nhiên, trong thông cáo từ phía Bắc Kinh, hội nghị giữa ông Tập với ông Modi đã không đề cập đến sáng kiến Một vành đai, một con đường cũng như Hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Bangladesh - Myanmar.
Trước đó, tại hội nghị BRICS năm 2014 ở Brazil, trong cuộc hội nghị bên lề Trung - Ấn, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đề xuất yêu cầu hai bên nỗ lực xây dựng phát triển tuyến hành lang kinh tế này.
Nhưng Thủ tướng Modi chỉ lịch sự hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng lĩnh vực đường sắt Ấn Độ mà không trực tiếp đưa ra câu trả lời về đề xuất của ông Tập.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tháng 9/2014, trong chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về sự thúc đẩy hợp tác các phương diện như Hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Bangladesh - Myanmar, cũng như mở rộng phát triển Vành đai kinh tế con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21...
Đáp lại, ông Modi cho biết, New Delhi sẽ nghiên cứu về lời đề nghị này của Bắc Kinh.
Những lần hội kiến của lãnh đạo hai nước sau đó tại các hội nghị thượng đỉnh khác diễn ra vào năm 2015, 2016, phía Bắc Kinh liên tục nhiệt tình kêu gọi sự hợp tác của New Delhi nhưng kết quả vẫn không khả quan.
Giới quan sát nhận định, có vẻ đã nhận ra sự hờ hững của New Delhi trước lời mời hợp tác của Bắc Kinh nên tại cuộc hội kiến lần này, ông Tập đã không nhắc đến từ khóa quan trọng như Một vành đai, một con đường hay Hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Bangladesh - Myanmar nữa.
Theo đó, bất luận là sau sự vắng mặt của Chu Tiểu Xuyên hay Bắc Kinh nay đã "bó tay" trước New Delhi thì Trung Quốc có thể sẽ không chủ động trực tiếp đề cập đến sáng kiến Một vành đai, một con đường với Ấn Độ nữa.
"Khi mà Ấn Độ chẳng thiết tha với Một vành đai, một con đường, việc Bắc Kinh đồng ý cho Chu Tiểu Xuyên xuất hiện trong cuộc gặp với Thủ tướng Modi thực sự không thích hợp", Đa chiều (Mỹ) kết luận.