Một số ngân háng khác như Eximbank và VietBank tăng thêm khoảng 10-30 điểm cơ bản ở nhiều kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. BIDV lãi suất dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng đồng loạt điều chỉnh tăng 10 điểm cơ bản lên 4,8%/năm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền online với lãi suất cao hơn so với gửi trực tiếp. Đơn cử, ABBank có chương trình gửi tiết kiệm được tặng lãi suất thêm 0,4 điểm phần trăm khi gửi online so với mức gửi tại quầy. SHB cũng có chế độ tương tự với lãi suất gửi online cao hơn 0,7-1 điểm phần trăm.
VPBank có chương trình lãi suất huy động tăng lên theo số tiền gửi. Hình thức gửi online cao hơn gửi tại quầy 0,8 điểm phần trăm, trong khi hồi đầu năm chỉ là 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Lãi suất huy động đã biến động tăng giảm đan xen từ tháng trước tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng vẫn giữ ở mức thấp hơn 1-1,5% so với trước dịch. Trong 2 tháng gần đây, xu hướng giảm lãi suất tại các ngân hàng đã chững lại và được nhận định sẽ khó duy trì mức thấp trong thời gian tới.
Theo CTCK VNDirect, có 3 yếu tố khiến mặt bằng lãi suất khó duy trì ở mức thấp như hiện tại. Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng. Thứ hai là áp lực lạm phát trong năm 2022. Và cuối cùng là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm sau.
CTCK dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.
Ngân hàng sẽ cần thu hút tiền gửi trong bối cảnh tín dụng hồi phục trở lại. Ảnh: B.L |
Thực tế, hai tháng cuối quý III, tiền gửi khu vực dân cư bị rút ròng 2.500 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại.
Điều này cho thấy người dân đang bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, dư địa chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào những thách thức của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.
Phó Thống đốc đề cập trước áp lực lạm phát, nhiều NHTW các nước đã bắt đầu đã thu lại các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh lạm phát, nợ xấu mới phát sinh cũng đang tạo ra thách thức cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Hệ thống ngân hàng huy động vốn của nền kinh tế rồi cho vay lại nên việc giảm lãi suất cần phải ở mức vừa đủ để thu hút được người gửi tiền.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng những tháng cuối năm bật tăng nhanh. Từ đầu năm đến cuối tháng 11, tăng trưởng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,1%. Trong khi đó, cuối tháng 10, con số này là 8,7% và cuối tháng 9 chỉ 7,17%.
Tháng 9 - thời gian giãn cách, tín dụng giảm 0,23 điểm phần trăm, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng. Hai tháng sau khi phần lớn các địa phương mở cửa trở lại, tín dụng tăng gần 3 điểm phần trăm, bằng gần một nửa 3 quý trước, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.
Quý IV hàng năm vẫn được xem là thời gian bứt tốc của các ngân hàng. Năm 2020, trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã nâng từ 6% lên trên 12%. Giải ngân quý cuối năm có thể tương đương tổng ba quý trước. Do đó, các ngân hàng sẽ cần cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.