Dấu hiệu lạ: Sinh vật ngoài hành tinh y hệt loài cổ quái nhất Trái Đất?

Anh Thư |

Sự kiện oxy hóa lớn giống với Trái Đất cổ đại đã từng xảy ra ở một thế giới khác, có thể là bằng chứng sống động cho một sinh quyển ngoài hành tinh bấy lâu chúng ta tìm kiếm.

Theo Sci-tech Daily, nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông đã phân tích đá Sao Hỏa và tìm ra bằng chứng cho thấy bầu khí quyển nơi đây hàng tỉ năm trước đã tiến hóa y hệt Trái Đất: từ thế giới "ngạt thở" sang bầu khí quyển giàu oxy, và chính quá trình đó có thể là bằng chứng cho sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh ở dạng vi sinh vật.

Dấu hiệu lạ: Sinh vật ngoài hành tinh y hệt loài cổ quái nhất Trái Đất? - Ảnh 1.

Đá cổ đại trên Sao Hỏa mang bằng chứng về một bầu khí quyển "ngạt thờ" trong quá khứ hành tinh, chứng tỏ Sao Hỏa có oxy nhờ "sự kiện oxy hóa lớn" - Ảnh: The University of Hong Kong

Nhóm tác giả đứng đầu bởi nhà nghiên cứu sinh Jiacheng Liu và phó giáo sư Joe Michalski từ Phòng nghiên cứu Trái Đất và khoa học hành tinh – Phòng thí nghiệm Nghiên cứu vũ trụ Đại học Hồng Kông. Họ đã sử dụng quang phổ và viễn thám hồng ngoại để đo độ rung phân tử của vật chất trên bề mặt Sao Hỏa từ quỹ đạo, nhằm khám phá ra cấu trúc khoáng vật học và địa hóa học của các loại đá cổ trên Sao Hỏa.

Theo bài công bố trên Nature Astronomy, tất cả được đem đối chiếu với đá của Trái Đất và chỉ ra đá Sao Hỏa từng bị phong hóa trong một bầu khí quyển có tính khử: không có oxy nên không thể xảy ra sự oxy hóa, mà đầy những khí có tính khử tích cực như hydro, cacbon monoxide…

Nhưng sau đó, rõ ràng oxy đã xuất hiện trên hành tinh đỏ khá dồi dào, bằng chứng chính là oxit sắt – thứ đã tạo nên màu đỏ đặc trưng của hành tinh, và cả một ít oxy vẫn còn tồn tại trong khí quyển. Đối chiếu một số dữ liệu khác, các tác giả kết luận hành tinh này đã trải qua sự kiện oxy hóa lớn vào một thời điểm nào đó trong quá khứ.

Khí quyển sơ khai của Trái Đất cũng từng là một thế giới với những loại khí không phù hợp với đa số các dạng sống hiện đại như vậy. Sự kiện oxy hóa lớn của Trái Đất, ước tính xảy ra 2,5 tỉ năm trước, đã giúp hành tinh có cơ hội phát triển những dạng sống phức tạp hơn, đó chính là những sinh vật cần oxy để sống như chúng ta.

Vấn đề quan trọng ở đây là sự kiện oxy hóa lớn ở Trái Đất có sự tham gia tích cực của sự sống sơ khai – vi khuẩn lam, hay còn gọi là tảo lam. Chính sinh vật cổ quái này đã "ăn" các khí nhà kính và thải ra oxy khi quang hợp. Nói cách khác, chính sự sống sơ khai đã giúp Trái Đất có sự kiện oxy hóa lớn.

Còn Tiến sĩ Ryan McKenzie, một đồng nghiệp từ Phòng nghiên cứu Trái Đất và khoa học hành tinh, nhận định rằng việc xác định được sự kiện oxy hóa lớn từng xảy ra ở Sao Hỏa có tiềm năng định hướng cho các cuộc thăm dò Sao Hỏa trong tương lai, bởi nó có thể là dấu hiệu của một sinh quyển ngoài hành tinh cổ đại, với một dạng sống có thể tương tự như vi khuẩn lam – sinh vật cổ quái vẫn còn tồn tại rất phổ biến khắp Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại