“Đánh bom”cảm xúc
'Đánh bom' cảm xúc là hành vi thường thấy ở những người mắc chứng rối loạn nhân cách tự ái hoặc ranh giới.
Lúc đầu, bạn có thể rất thích thú khi thấy người ấy háo hức ở bên bạn, nhưng sau đó mọi thứ có thể bắt đầu trở nên không ổn.
Một số bất đồng quan điểm khiến các cuộc cãi vã xảy ra theo cách bạn không thể ngờ. Hiện tượng này được các nhà nghiên cứu gọi là “đánh bom” cảm xúc.
Người ấy có thể khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, nhưng thực chất chẳng có gì đằng sau cảm giác đó cả. Bạn sẽ không bao giờ có được cảm giác an toàn khi ở cạnh một người sẵn sàng “nổ tung” cảm xúc bất cứ lúc nào.
Căng thẳng liên tục
Tất cả các mối quan hệ đều có xung đột vào lúc này hay lúc khác, nhưng nếu bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng thì đó có thể không phải là một biểu hiện lành mạnh để tiếp tục mối quan hệ.
Bạn có thể cảm thấy dễ dàng hơn nếu không nói với đối phương về những hành vi hoặc chi tiết nhất định của mối quan hệ vì họ sẽ không hiểu, điều này càng tạo thêm căng thẳng cho bạn.
Nếu bạn đang có xu hướng che đậy mọi thứ và biện minh cho hành vi mà bạn biết ở một mức độ nào đó là sai, thì đó là một báo động đỏ.
Đối phương luôn gây cảm giác giống như bạn đang đi trên vỏ trứng hoặc liên tục phải đối phó với những tình huống kịch tính, đó là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không đi theo hướng lành mạnh.
Bạn bị thao túng
Hành vi thao túng có thể diễn ra trong bất kỳ mối quan hệ nào, từ quan hệ gia đình đến quan hệ tình cảm. Theo giới chuyên gia, thao túng thường là dấu hiệu cảnh báo đỏ cho các cặp đôi.
Nói dối
Nói dối, đặc biệt là ngay khi bắt đầu mối quan hệ, có thể là dấu hiệu của những vấn đề lớn hơn sau này.
Nói dối cũng có thể liên quan đến việc không chung thủy hoặc che giấu hành vi tiêu cực trong quá khứ.
Mặt khác, nếu bạn cảm thấy mình không thể thành thật với đối tác của mình về một số điều nhất định vì cách họ có thể phản ứng, thì đó cũng là một dấu hiệu đỏ.
Cảm giác bị loại bỏ
Trong các mối quan hệ lành mạnh, mọi người thường đặc biệt chú ý đến nhu cầu của nhau. Vì vậy, từ chối quan tâm nhu cầu của nhau chứng tỏ mối quan hệ đang có vấn đề.
Hành vi này không chỉ đơn giản là quên tham dự một sự kiện sau khi đã đồng ý tham gia, đây thực là một thái độ có chủ ý có thể khiến đối phương cảm thấy mình bị loại bỏ.
Đối phương cố gắng cô lập bạn
Nếu bạn nhận thấy các mối quan hệ khác của mình đang rạn nứt vì người yêu hoặc người bạn đời của bạn không muốn bạn kết giao với người khác thì đây chắc chắn là hành vi độc hại.
Hành vi này của đối tác thể hiện rằng: “Tôi không thích người đó, anh/em đừng gặp họ nữa” hoặc “Tôi không thích anh trai của em; đừng gặp lại anh ta nữa”.
Hành vi này cho thấy đối phương đang có cảm giác mình bị những người khác trong thế giới riêng của bạn coi thường, từ đó đối phương bắt đầu nghĩ ra những kịch bản để cô lập bạn.
Những nỗ lực cô lập có thể vượt xa mức độc hại và đi vào lãnh thổ lạm dụng nếu đối phương trở nên quá kiểm soát.
Khi cảm thấy bất an với những dấu hiệu trên, bạn phải tự hỏi bản thân, đây có phải là điều mình có thể chấp nhận được không.
Bước đầu tiên là bạn phải nhìn ra vấn đề; sau đó xem xét có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ của bạn mà cả hai cần thay đổi.
Bạn có thể cảm thấy bầu không khí rất tiêu cực; hoặc những tương tác giữa hai người khiến bạn cảm thấy không thoải mái hay giảm lòng tự trọng.
Khi bạn đã xác định những dấu hiệu và hành vi độc hại kể trên, bạn cần học cách chấp nhận và cho phép mình thay đổi, đưa ra những quyết định tích cực hơn, mạnh mẽ hơn.