Đàm Vĩnh Hưng là một trong những ca sĩ có khối tài sản khá khổng lồ bao gồm bất động sản, hàng hiệu, siêu xe... Bên cạnh đó, "ông Hoàng nhạc Việt" còn biết đến với vai trò là một nhà kinh doanh.
Xuất phát điểm từ nghề cắt tóc
Đàm Vĩnh Hưng tên thật là Huỳnh Minh Hưng. Trước khi trở thành ca sĩ nổi tiếng như hiện nay, ít ai biết được rằng, nam ca sĩ này có một tuổi thơ khá khó khăn.
Khi gia đình rơi vào cảnh cơ cực, tài sản lần lượt đội nón ra đi, gia đình ly tán, anh phải vào tu viện sống. Đến khi học lớp 8, Đàm Vĩnh Hưng về ở với ông bà ngoại. Khi cuộc sống gia đình khó khăn, Hưng phải bươn chải kiếm sống.
"Trước đó tôi cũng có đi hát đám cưới ở nơi này nơi khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ hát sẽ là nghề để tôi nuôi sống chính bản thân và gia đình. Tôi quyết định chọn nghề tóc còn em gái chọn nghề may", Hưng nói.
Anh cũng cho hay, số tiền khi đó kiếm được chỉ đủ để chi trả cho nhu cầu tối thiểu của cuộc sống ngày thường, chứ không giúp anh giải quyết những khó khăn chồng chất đang đè nặng lên cả gia đình.
Đàm Vĩnh Hưng trong một lần cắt tóc cho thí sinh của mình
"Ngày đó học cũng cực, cửa tiệm có một vị khách luôn bo 2.000 đồng mỗi lần cô sấy gội. Thế nên những đứa học việc như tôi cứ thấy cô đến là tranh nhau được gội đầu cho cô. 2.000 đồng nào có nhiều nhặn gì, nhưng năng nhặt chặt bị, có được đồng tiền là quý giá lắm rồi, nào ai kể giá trị là bao nhiêu. Tích góp mãi, tôi mới dám mua chiếc xe đạp màu tím.
Chiếc xe đó có vứt ngoài đường cũng không ai thèm lấy, nhưng tôi quý nó lắm bởi tôi mua nó bằng đồng tiền tự tay mình làm ra, còn gọi nó là chiếc Dream II của riêng mình nữa".
Trong quá trình làm phụ việc tại hiệu cắt tóc, do nắm bắt được nhanh các quá trình nên Hưng đã được truyền đạt nhiều kỹ thuật để có thể hỗ trợ, phụ giúp cửa hàng.
Chỉ 5 tháng, anh đã vừng tay nghề. Sau đó, Hưng đã vay vốn của ngoại, cùng 2 người bạn mở cửa hàng riêng.
Chuyển hướng sang làm kinh doanh hải sản
Tay ngang chuyển sang làm kinh doanh khi vấn đề về tình trạng xuống cấp của vệ sinh an toàn thực phẩm trong xã hội trở nên nhức nhối, Đàm Vĩnh Hưng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mạng lưới kinh doanh hải sản sạch.
Anh lập 3 cửa hàng ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM mang tên "Vua Biển" vì "nó lạ, thu hút người ta ngay. Tên "Vua biển" cũng dễ nhớ, dễ nghe".
Lúc đầu anh hay lui tới để trực tiếp quản lý, nhưng sau đó đã phát triển một hệ thống quản lý chuyên nghiệp với ekip điều hành tất cả công đoạn từ chuỗi nhập hàng đến phân phối sản phẩm.
Anh cũng cùng các cộng sự thường xuyên nghiên cứu nguồn nguyên liệu, công thức chế biến món ăn mới, độc đáo nên mô hình kinh doanh phát triển nhanh. Đến nay, chuỗi cửa hàng này đã có 21 đại lý nằm phân bố khắp cả nước.
Đàm Vĩnh Hưng từng chia sẻ, bên cạnh ca hát, việc kinh doanh hệ thống cửa hàng hải sản cũng mang lại cho anh nguồn thu khủng hàng năm.
Góp vốn xây dựng công ty
Đàm Vĩnh Hưng là một trong số các nhà đầu tư đổ tiền vào kinh doanh tại Công ty TNHH Nhà hàng Club 39. Anh là 1 trong 3 người góp vốn lớn nhất với tiền đầu tư vào Nhà hàng Club 39 hơn 9 tỷ đồng.
Ngày 13/12/2010, Nhà hàng Club 39 đã ký hợp đồng thuê mặt bằng thương mại (phòng số B.02) trên diện tích 608,55m2 với thời hạn 6 năm tính từ ngày 1/3/2011 đến 28/2/2017 với Công ty TNHH Kumho Asiana Plaza Sài Gòn.
Khi công việc kinh doanh đang thuận lợi và có lãi thì đầu tháng 1/2016, Nhà hàng Club 39 của Đàm Vĩnh Hưng đã vướng tranh chấp về việc cho thuê mặt bằng với Ban quản lý Tòa nhà Kumho Asiana Plaza và buộc phải tạm ngưng hoạt động.
"Tôi là người của công chúng nên khi kinh doanh tôi luôn giữ hình ảnh cho mình, không để có tệ nạn xã hội hay quậy phá ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Tuy nhiên, việc có ẩu đả, xô xát bên ngoài nhà hàng, quán bar thì ở đâu cũng có, không thể tránh khỏi và hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của tôi. Điều mà tôi muốn nói ở đây là tình người và đạo lý trong kinh doanh.
Chủ cho thuê mặt bằng muốn gì thì phải cùng tôi ngồi lại bàn bạc thương thảo chứ không thể dùng quyền lực ép bên thuê bằng hành động đóng cửa nhà hàng khiến tôi trở tay không kịp như vậy được", Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Nhà hàng Club 39
Được biết, tiền đặt cọc và chi phí trang thiết bị máy móc mà Nhà hàng Club 39 đã bỏ ra tổng cộng 20 tỷ đồng.
Khi xảy ra tranh chấp, Kumho Asiana Plaza đã niêm phong, tháo dỡ các trang thiết bị của công ty Đàm Vĩnh Hưng quẳng ra bên ngoài khuôn viên nhà hàng rồi dùng bao nylon trùm lại để ở các tầng hầm, mặc cho hư hỏng. Hiện tại, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.