Đâu chỉ Hạ Hầu Đôn, ở Đại Việt cũng có dũng tướng bị thương, nuốt con ngươi giữa trận tiền

Lê Thái Dũng |

Hạ Hầu Đôn là mãnh tướng của Tào Tháo, trong 1 trận đánh bị tên bắn trúng mắt, ông liền rút ra rồi nuốt chửng con ngươi. Trong sử Việt cũng có một tướng dám làm chuyện tương tự.

Về câu chuyện của Hạ Hầu Đôn, theo sử sách ông vừa là đồng hương, vừa là họ hàng và là bạn chí cốt của Tào Tháo.

Khi Tào Tháo dựng nghiệp, dù biết Hạ Hầu Đôn là người nóng nảy, cương trực nhưng mến sự trung thành với bạn bè và gia đình, không khoan nhượng đối với kẻ thù, lại dũng mãnh, có sức mạnh hơn ngươi nên Tào Tháo vẫn rất trọng dụng, coi Hạ Hầu Đôn như là hữu tướng quân của mình.

Truyền rằng trong trận chiến Hạ Bì diễn ra năm Mậu Dần (198), Hạ Hầu Đôn bị tướng của đối phương là Tào Tính phục kích dùng cung bắn trúng vào mắt trái.

Tuy bị thương nhưng Hạ Hầu Đôn cắn răng chịu đau và không vì thế mà làm mất đi dũng khí, ông cất tiếng nói lớn: "Tim cha huyết mẹ, làm sao có thể bỏ đi được?", nói xong không ngần ngại lấy tay rút mũi tên, kéo luôn cả con ngươi mắt ra rồi đưa vào miệng mình mà nuốt.

Đâu chỉ Hạ Hầu Đôn, ở Đại Việt cũng có dũng tướng bị thương, nuốt con ngươi giữa trận tiền - Ảnh 1.

Hạ Hầu Đôn nuốt con mắt bị trúng tên của mình. Hình minh họa

Tào Tính vì quá bất ngờ và kinh hãi trước sự việc như vậy, chưa kịp định thần thì bị Hạ Hầu Đôn thúc ngựa xông đến đâm chết. Đâm Tào Tính xong thì Hạ Hầu Đôn cũng ngã ngựa bất tỉnh. Sau trận chiến này ông mất đi một con mắt nên vì thế mới có biệt danh là "Manh Hạ Hầu" (Hạ Hầu mù).

Người đời nghe chuyện Hạ Hầu Đôn nuốt con ngươi làm khiếp sợ quân thù nên đã tôn ông là một dũng tướng phi thường!

Tuy nhiên, chuyện của Hạ Hầu Đôn không phải là "độc nhất vô nhị". Trong lịch sử Việt Nam , chuyện về dũng tướng dòng họ Võ Tá cũng không kém phần khác lạ.

Có sách chép rằng vị dũng tướng đó là Võ Tá Lý người xã Hà Hoàng, tổng Thượng Thất, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Hạ, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), ông xuất thân trong một dòng họ có truyền thống võ nghệ, sản sinh nhiều võ tướng.

Dòng họ này có đến 15 người đỗ Tạo sỹ (Tiến sĩ võ), 18 võ tướng được phong tước Quận công; ngoài ra còn một số người đỗ đạt khoa bảng, làm rạng danh dòng họ. Vì thế mới có câu rằng:

Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách,

Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà.

Nghĩa là:

Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách.

Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông.

Trong sách Nghệ An ký, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) sống vào thời Nguyễn khi viết về họ Võ Tá ở làng Hà Hoàng có đoạn ghi như sau: "Con cháu nhà họ đông đúc, phát cả văn lẫn võ, đều nho nhã mưu lược. Nhà làm sử gọi họ ấy là "Thạch Hà thế tướng" (đời đời nối tiếp nghiệp tướng)".

Với những danh tướng tài năng đó, họ Võ Tá Hà Hoàng được ví sánh ngang với họ Ngô trứ danh ở Trảo Nha (nay là thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng là dòng họ có nhiều võ tướng tài ba lừng lẫy. Cũng bởi vậy mà dân gian còn truyền khẩu câu: "Trảo Nha chi Ngô, Thạch Hà chi Võ".

Lại nói về Võ Tá Lý, ông là con thứ 8 của Hà Quận công Võ Tá Hán, em của Nham Quận công Võ Tá Bảng, nổi tiếng dũng mãnh, có tài làm tướng nên được phong làm Thể Quận công.

Bấy giờ xã hội rối loạn, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, chưa kể các đám giặc cướp cũng ra sức hoành hành.

Thể Quận công Võ Tá Lý được lệnh triều đình đem quân tham gia trấn áp thành công nhiều cuộc nổi loạn, bạo động; đặc biệt vào tháng 3 năm Canh Thân (1740) đời Lê Ý Tông, ông bắt được thủ lĩnh một lực lượng quân khởi nghĩa có tiếng khi đó tên là Bồng, lập đại công, được ban thưởng lớn.

Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết như sau: "Chinh tây đại tướng quân Thể Quận công Võ Tá Lý cùng "giặc" tên là Tế đánh nhau ở Yên Lạc, bắt được Tế. Tế cùng người đất Bình Ngô tên là Bồng đều có tiếng là kiệt hiệt. Đến nay bắt được, Chúa ban cho cho cờ gươm, áo mũ, ấn tín và sắc dụ để nêu thưởng Võ Tá Lý".

Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết: "Võ Tá Lý, chinh tây đại tướng quân, đánh nhau với giặc Tế và Bồng ở An Lạc.

Bắt được bọn giặc này. Tên Tế, giặc ở Sơn Tây và tên Bồng ở Bình Ngô, đều nổi tiếng là giặc tinh quái hung tợn. Thể Quận công Tá Lý đón đánh ở An Lạc, bắt được bọn này. Trịnh Doanh ban cho Tá Lý cờ, kiếm và ấn để tuyên dương công trạng".

Sau khi Tế và Bồng đánh không lại với Võ Tá Lý, bị bắt và giết, một bộ tướng là Nguyễn Danh Phương (tục gọi là quận Hẻo) tập hợp tàn quân của Đô Tế, rút về cố thủ ở núi Tam Đảo, xây dựng lực lượng để tính kế lâu dài.

Lúc đó, chúa Trịnh Doanh ra lệnh cấp tốc tuyển thêm binh lính, sai các những nhân vật thân tín đem quân tới các vùng trọng yếu để trấn giữ, tiễu trừ các lực lượng chống đối.

Chinh tây đại tướng quân Võ Tá Lý được cử cùng với Đốc lãnh Trần Đình Miên, Bồi tụng là Nguyễn Bá Lân đem quân đi đánh Sơn Tây.

Một lực lượng khởi nghĩa khá mạnh lúc ấy cũng nên nhắc đến, đó là lực lượng do Nguyễn Hữu Cầu (tục gọi là quận He) đứng đầu cũng khiến triều đình Lê – Trịnh nhiều phen mất ăn mất ngủ. Truyền rằng, chúa Trịnh đã sai tướng quân Võ Tá Lý đi Sơn Nam , đánh nhau với Nguyễn Hữu Cầu.

Giữa trận tiền, một mảnh đạn bay vào mặt trúng một bên mắt làm lồi con ngươi, ông đã rút ra nuốt chửng rồi tiếp tục thúc quân giao chiến. Gương anh dũng ấy được mọi người ngưỡng mộ. Dân gian Nghệ Tĩnh truyền đi câu phương ngôn: "Người Nghệ An, gan Thạch Hà" là từ câu chuyện này.

Chuyện bị thương ở mắt, nuốt con ngươi giữa trận tiền ít được sử sách ghi lại nên điều này không được biết đến rộng rãi, mặt khác tài liệu ghi chép có khác nhau.

Theo như sách Nghệ An ký thì người có hành động khác thường ấy không phải là Võ Tá Lý mà là Võ Tá Sắt, ông là một 5 năm võ tướng nổi tiếng nhất của dòng họ Võ Tá Hà Hoàng (4 người kia là Võ Tá Liễn, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan, Võ Tá Lý).

Võ Tá Sắt (có tư liệu viết ông tên thật là Võ Tá Kế, còn có tên khác là Võ Tá Khanh), con thứ 4 của Tăng Lộc hầu. Ban đầu ông theo đuổi nghiệp khoa cử, năm 14 tuổi được vào học tại trường Quốc Tử Giám nhưng lại ham thích nghiệp võ nên sau được bổ làm quản binh, dần dần lên đến chức tướng quân.

Ông nổi tiếng là người mưu lược, gan góc, là vị tướng tài giỏi được triều đình coi trọng, chỉ huy đánh thắng nhiều trận.

Chuyện kể rằng một lần khi xông trận đánh nhau với quân của Nguyễn Hữu Cầu tại Sơn Nam, ông bị trúng tên lòi con ngươi mắt, ông móc lấy nuốt chửng và thúc quân đánh tiếp, ai thấy cũng nể phục mến mộ gọi là Sắt, vì thế người đời thường dùng tên Võ Tá Sắt để nói về ông.

Do lập công trạng, ông được phong tước Quận công, cũng từ câu chuyện trên mà có hiệu là Sắt Quận công; khi tử trận được triều đình truy tặng là "Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân".

Về chuyện này, trong sách Nghệ An ký có đoạn chép: "Tổ tiên là Cường Lộc Hầu sinh ra Tá Hà. Tá Hà theo đánh giặc có công, được lĩnh chức Đề lĩnh từ thành quân vụ và được phong tước Hà quận công.

Tá Lý, Tá Liễn, Tá Sắt, Tá Quán và Tá Đoan đều là dòng dõi Tá Hà và đều được cầm quân coi trấn. Khi Tá Sắt coi trấn Sơn Nam, đánh nhau bị một viên đạn bắn vào mắt làm bật con ngươi ra ngoài.

Tá Sắt rứt con ngươi ấy bỏ vào mồm nuốt chửng rồi lại thúc quân đánh hăng, người thời ấy đều phục là dũng cảm. Có câu ngạn ngữ: Người Nghệ An, gan Thạch Hà".

Xét theo sử liệu thì câu chuyện bị thương ở mắt rồi lấy con ngươi ra nuốt chửng hợp lý hơn với trường hợp của Võ Tá Sắt; bởi giai thoại cũng như thư tịch có nhiều điểm trùng khớp, đặc biệt là xuất xứ biệt danh với tên gọi Sắt của ông.

Tham khảo từ

1. Danh tướng Việt Nam tập 3 (Nguyễn Khắc Thuần) - NXB Giáo dục, 1998

2. Đại Việt sử ký tục biên (Các sử thần triều Lê)- NXB Văn hóa thông tin, 2011

3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) - NXB Giáo dục, 1998

4. Nghệ An ký (Bùi Dương Lịch) – NXB Khoa học xã hội, 2004

5. Võ tướng Việt Nam (Vũ Ngọc Khánh) – NXB Văn hóa thông tin, 2007

6. Báo Hà Tĩnh điện tử và các tài liệu khác…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại