Dấu ấn trong thời kì dịch bệnh
Sau khi ông Lê Hòa Bình nhậm chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM vào tháng 12/2020, chỉ mấy tháng sau, làn sóng Covid-19 cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Ngay lúc đó, chính quyền TP xác định phải khẩn cấp thành lập hàng loạt bệnh viện dã chiến để điều trị cho số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày một tăng cao.
Ông Bình lúc này được giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ vấn đề xây dựng, cải tạo các BV dã chiến và phải làm thần tốc trong thời gian ngắn để đưa vào sử dụng.
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM về quãng thời gian khó khăn đó: "Đó chính là dấu ấn đặc biệt của anh Bình trong thời gian cao điểm nhất và gian khổ nhất của dịch bệnh. Chỉ trong vài tuần, hàng chục BV dã chiến và bốn trung tâm hồi sức đã được thành lập với đầy đủ thiết bị và ôxy tới tận từng giường bệnh. Một sự nỗ lực cao độ của Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình".
Ông Kiên cũng cho nguồn trên hay rằng toàn thể cán bộ, nhân viên Sở Xây dựng bàng hoàng và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người từng lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM đạt được nhiều thành tựu.
Ông Kiên sẽ luôn nhớ về người lãnh đạo sát sao, quyết liệt trong công việc nhưng vô cùng gần gũi, chân tình, hòa đồng như anh em với tất cả mọi người.
Cũng là một người có ấn tượng với ông Lê Hòa Bình trong thời kì dịch bệnh ở TP.HCM, ông Vũ Mạnh Cường, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế hoài niệm với báo Tuổi Trẻ về lần gặp ông Bình lúc cao điểm dịch tháng 7 và 8/2021.
"Vẫn phong cách nhanh nhẹn, nắm sát công việc, chỉ đạo hiệu quả, anh đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và bệnh viện tuyến trung ương để triển khai xây dựng 4 trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19. Các trung tâm này được thiết lập từ con số 0 trong thời gian ngắn kỷ lục, góp phần làm giảm mạnh số lượng ca tử vong do Covid-19, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Thật bàng hoàng và tiếc thương khi hay tin anh ra đi sáng 29/3 sau tai nạn giao thông. Mong anh an nghỉ", ông Cường nói.
"Người lãnh đạo luôn vì tập thể, vì cái chung"
Những năm qua ở TP.HCM, có một vụ việc nổi cộm, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn chưa được giải quyết, đó là vụ việc khiếu nại về đất đai của một người dân ở huyện Nhà Bè hơn 20 năm chưa được cấp sổ đỏ.
Vào tháng 8/2021, tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP.HCM, khi đại biểu nêu sự việc trên thì ông Bình đã nghiêm túc nhận khuyết điểm về mình vì chưa giải quyết thấu đáo cho người dân.
Như TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM nhận xét trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp: "Sự thẳng thắn và sẵn sàng nhận khuyết điểm trước nhân dân của ông Lê Hoà Bình làm tôi hơi ngạc nhiên. Thay vì thoái thác, hứa hẹn thì ông Bình lại nhận lỗi về mình. Đó là cách ứng xử của một người lãnh đạo luôn vì tập thể, vì cái chung, vì lợi ích chính đáng của người dân".
Ông Thắng nói thêm với báo trên rằng, năng lực của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình là cực kì xuất sắc, vững vàng. Cùng với năng lực giỏi là sự nhạy bén với thực tiễn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ông Bình luôn đau đáu tìm cách để người dân và doanh nghiệp thụ hưởng được nhiều tiện ích, thuận lợi.
Theo ông Thắng, việc ông Lê Hòa Bình ra đi đột ngột là sự tổn thất lớn với nhân dân và chính quyền TP.HCM. "Việc có một lãnh đạo vừa giỏi chuyên môn, hết lòng với công việc không phải chuyện dễ dàng", ông Thắng chia sẻ.
"Sự thiệt thòi lớn cho TP.HCM"
Đối với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, dấu ấn về ông Lê Hòa Bình đó chính là việc tháo gỡ vướng mắc cho hàng chục dự án lớn trên địa bàn.
Để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc của các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, tuần nào Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng có cuộc họp với tổ công tác đầu tư cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức.
"Sáng 29/3, tôi đã chuẩn bị báo cáo kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị gỡ vướng cho 64 dự án để chuẩn bị tham gia cuộc họp do anh Bình chủ trì. Tuy nhiên, cuộc họp với anh Bình đã không thể nào diễn ra" - ông Châu ngậm ngùi chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM.
Theo ông Châu, việc mất đi một cán bộ có năng lực như ông Bình là "sự thiệt thòi lớn cho TP.HCM". Ông Châu hi vọng thành phố sẽ tìm được người kế nhiệm xứng đáng, tiếp tục những nỗ lực còn dang dở của Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình.
Trong khi đó, ở cương vị là doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty Cổ phần Băng Dương TP.HCM chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp ấn tượng về năng lực và tâm huyết của vị lãnh đạo Lê Hòa Bình.
Là người đứng đầu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS trên địa bàn TP, đối với ông Tuấn, ông Bình đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ trong những năm qua. Hàng chục dự án đang gặp vướng mắc được tháo gỡ và chấp thuận chủ trương đầu tư nhờ nỗ lực của ông Bình và tổ công tác.
Ông Tuấn đã kể ra nhiều dự án của hàng loạt DN BĐS trên địa bàn thành phố đã băng băng về đích nhờ sự chỉ đạo từ ông Lê Hòa Bình như: dự án Phú Mỹ, quận 7; dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (phường Phú Thuận, quận 7); dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức).
"Sự qua đời một cách đột ngột của ông do tai nạn giao thông trên đường đi công tác đã làm rất nhiều người dân TP, các doanh nghiệp cũng như các sở, ban ngành, quận, huyện bàng hoàng, đau thương", ông Tuấn cho nguồn trên hay.
Tổng hợp
Theo thông cáo của Thành ủy TP.HCM, ông Lê Hòa Bình, sinh ngày 1/4/1970 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã từ trần lúc 9 giờ 40 phút, ngày 29/3/2022.
Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp.
Lễ viếng lúc 13 giờ, ngày 31/3/2022. Lễ truy điệu lúc 7 giờ 30 phút, ngày 2/4/2022. Lễ di quan lúc 8 giờ, ngày 2/4/2022.
Sau đó, đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thành phố, phường Linh Trung, TP.Thủ Đức. Gia đình miễn phúng điếu.
Đồ họa: Tuệ Nhật