Dầu ăn khan hiếm, người dân xếp hàng nhiều giờ chờ mua, 2 người tử vong

Minh Thu |

Do dầu ăn khan hiếm, hàng dài người dân đứng xếp hàng vài giờ đồng hồ để vào siêu thị mua đồ khiến 2 người tử vong ở Indonesia.

Tình trạng khan hiếm mặt hàng dầu ăn đã biến thành thảm kịch sau khi 2 khách hàng vì phải xếp hàng chờ đợi quá lâu bên ngoài trời nắng nóng đã tử vong tại Indonesia.

Hai nạn nhân sinh sống ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo của Indonesia. Thảm kịch xảy ra ở nơi được mệnh danh là một trong những khu vực có sản lượng dầu cọ thô (CPO) và quả dầu cọ tươi cao nhất ở Indonesia.

Dầu ăn khan hiếm, người dân xếp hàng nhiều giờ chờ mua, 2 người tử vong - Ảnh 1.

Người dân Indonesia xếp hàng nhiều giờ để chờ tới lượt vào siêu thị mua đồ nhất là dầu ăn. (Ảnh: SCMP)

Trước đó, vào ngày 12/3, bà nội trợ Sandra (41 tuổi) đã bị ngất xỉu khi đứng xếp hàng một tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng để chờ đến giờ siêu thị địa phương mở cửa. Người phụ nữ đã qua đời trên xe cứu thương khi đang được chuyển vào viện. Cảnh sát cho biết nạn nhân bị bệnh suyễn.

Tới ngày 15/3, bà Rita Riyani (49 tuổi) cũng đã qua đời sau 2 ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Người đứng đầu Đơn vị Điều tra Hình sự thuộc Sở Cảnh sát thành phố Samarinda là ông Andika Dharma Sena cho biết, bà Riyani đã bị kiệt sức trong quá trình xếp hàng tại 3 siêu thị khác nhau, do bà cố gắng mua 2 lít dầu ăn ở mỗi siêu thị.

“Nạn nhân cảm thấy bị đau và co rút tay nên đã gọi điện cho chồng. Sau đó, bà ấy đã bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện”, ông Sena cho hay.

Trong những tháng gần đây, Indonesia rơi vào cuộc khủng hoảng dầu cọ do giá dầu cọ thô đã tăng 40% kể từ đầu năm nay. Nguyên nhân là do giá dầu trên toàn giới liên tục tăng do nhiều yếu tố. Trong đó, cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra tình trạng khan hiếm các loại dầu như dầu hướng dương và dầu hạt cải, cũng như ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất dầu cọ ở nhiều quốc gia như Malaysia.

Để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chính phủ Indonesia đã giới hạn mức bán tại các siêu thị. Theo đó, mỗi người dân chỉ được mua tối đa 2 lít dầu ăn khi vào siêu thị. Tuy nhiên, nhiều khách hàng như bà Riyani đã tìm cách tích trữ sẵn dầu ăn do lo sợ nguồn cung thiếu hụt sẽ đẩy giá cả mặt hàng này ngày càng tăng cao. Thậm chí, không ít người còn đứng xếp hàng để mua dầu ăn sau đó bán lại cho người khác với giá cao hơn.

Hôm 17/3, nhiều dòng người đứng xếp hàng rồng rắn bên ngoài các siêu thị mini ở tỉnh Kalimantan cũng đã được ghi nhận. Một cư dân địa phương giấu tên nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) rằng, đây là lần thứ 2 trong những tuần gần đây, bà phải xếp hàng để chờ tới lượt vào mua dầu ăn.

“Chúng tôi không muốn phải đứng xếp hàng như thế này, và hy vọng giá cả sẽ được bình ổn như trước đây”, người phụ nữ vừa nó vừa cho phóng viên xem bản photo chứng minh thư nhân dân cùng thẻ thành viên vào siêu thị.

Một số cửa hàng yêu cầu khách hàng đăng ký thông tin khi vào mua hàng để đảm bảo họ không trở lại để mua thêm dầu ăn, cũng như né tránh quy định mỗi lần chỉ được mua 2 lít dầu.

Hay như ở thành phố Medan thuộc tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia, các kệ ở cửa hàng và siêu thị mini tại địa phương đã trống rỗng bên cạnh những tấm biển yêu cầu khách hàng chỉ có thể mua 2 lít dầu ăn mỗi lần với mức giá là 14.000 rupiah (1 USD) mỗi lít.

Một nhân viên siêu thị ở thành phố Medan cho hay nhiều khách hàng đã phàn nàn về chuyện họ không thể mua dầu ăn trong những tuần qua. Nhiều người còn khuyên khách hàng nên mua dầu ăn ở các sạp ngoài chợ đen để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Giám đốc tổ chức WALHI Kaltim là bà Yohana Tiko nhấn mạnh tình hình hiện tại là vô cùng đáng tiếc, bởi thực tế Indonesia nói chung và tỉnh Kalimantan nói riêng là một trong những khu vực xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

“Không nên xảy ra tình trạng khan hiếm như này, nhưng trên thực tế nó là chuyện đang xảy ra. Vấn đề giữa các nhà phân phối nguyên liệu thô và nhà sản xuất dầu là gì?”, bà Tiko nói.

Cũng theo bà Tiko, dầu cọ thô được sản xuất ở Indonesia hiện vượt quá nhu cầu sử dụng trong nước, do đó đáng nhẽ nguồn cung phải dư thừa. Nhưng bởi Indonesia chỉ sản xuất được dầu cọ thô và quả dầu cọ tươi. Trong số này phần lớn dây chuyền sản xuất là của các công ty tư nhân, những người đang tập trung vào thị trường xuất khẩu.

"Tình hình hiện tại là lời cảnh báo tới chính phủ Indonesia về khâu quản lý, cũng như không chỉ chú trọng tới chuyện xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ”, bà Tiko nhấn mạnh.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại