DATC siết khoản nợ trăm tỷ liên quan đến thời trang NEM

Diệp Trần |

Trước đó, VietinBank cũng từng rao bán khoản nợ này nhưng không thành công. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá khoản nợ phải thu tại CTCP Thương mại NEM.

Cụ thể, giá trị khoản nợ tính đến thời điểm 30/6/2019 là hơn 118 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc gần 61 tỷ đồng và nợ lãi 57 tỷ đồng. Giá chào bán khởi điểm là gần 43,2 tỷ đồng.

Khoản nợ này từng được ngân hàng VietinBank rao bán hồi tháng 9/2018. Tiền lãi của khoản nợ lúc đó mới chỉ gần 50 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Tại thời điểm 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty theo ghi nhận là 33,9 tỷ đồng.

Được biết, CTCP Thương mại NEM thành lập vào ngày 8/1/2009, do ông Trương Việt Bình làm người đại diện theo pháp luật, với ngành nghề kinh doanh là buôn bán hàng may mặc. Công ty này là một thành viên trong hệ thống các công ty có liên quan đến thương hiệu NEM và là đơn vị quản lý nhiều cửa hàng NEM tại Hà Nội.

Trong thời gian gần đây, thương hiệu thời trang NEM vướng phải lùm xùm về nhãn mác.

Cụ thể, ngày 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội số 17) đã kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.

Hàng hóa gồm 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.

Toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc có cả hàng hóa của NEM, IFU. Đây là những thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường.

Phản hồi về thông tin này, đại diện hãng thời trang NEM cho biết doanh nghiệp này hoàn toàn không biết cơ sở sản xuất tại Long Biên đã làm nhái các thương hiệu Việt; trong đó có một số ít nhãn mác gắn nhãn hiệu NEM. Đồng thời, hãng thời trang NEM sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Hà Nội để bảo hộ thương hiệu của mình. Trong trường hợp đơn vị sản xuất hàng nhái không chứng minh đựợc hóa đơn chứng từ hợp lệ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại