Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt đảm bảo theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đề xuất cho bị can, bị cáo nộp tiền từ 30-200 triệu đồng để được tại ngoại là sự kiện pháp lý đang gây sự chú ý của dư luận.
Theo đó, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định cho họ hoặc người thân của họ đặt tiền, mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.
Theo tinh thần Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 và các quy định pháp luật liên quan, biện pháp tạm giam sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất để bảo đảm quyền con người một cách cao nhất.
Quy định này cũng không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý tội phạm cụ thể cũng như việc răn đe, phòng ngừa chung.
Nếu tòa xử bị cáo hình phạt tù giam thì dù đã đặt tiền để được tại ngoại trước đó bị cáo cũng vẫn phải chấp hành hình phạt tù.
Dự thảo cũng quy định rõ việc có mặt của người được tại ngoại, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc vi phạm các cam kết thì số tiền của họ bị sung công quỹ và họ sẽ bị thay đổi biện pháp ngăn chặn (chuyển sang giam giữ).
Khi xét thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm, cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án gửi thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm cho họ thông qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu có nguyện vọng xin được đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam thì bị can, bị cáo phải hoàn chỉnh đơn và giấy uỷ quyền (đối với người đã thành niên) và gửi cho cơ quan đã thông báo thông qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị, giấy uỷ quyền của bị can, bị cáo, cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển cho cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án. |
Cho dù các quy định về việc đặt tiền để được tại ngoại có thể hết sức chặt chẽ, qua nhiều cấp xét duyệt nhưng cũng không thể tránh được trường hợp cá biệt.
Ví dụ, sau khi đặt tiền mà bị can bỏ trốn thì sẽ rất khó khăn cho quá trình điều tra, truy bắt.
Cũng có trường hợp bị can sẽ tiếp nhận những thông tin không đúng đắn dẫn đến có những nhận thức, hành vi lệch lạc khi làm việc với cơ quan tố tụng, gây khó khăn cho chính họ và các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Có nhiều trường hợp người phạm tội hoặc người thân thích của họ khó khăn về tài chính, người bị tạm giam sẽ không thể tiếp cận quy định tiến bộ này, đây cũng có thể là một sự không bình đẳng giữa những người phạm tội.
Tuy vậy, tựu chung, việc bị can, bị cáo được đặt tiền để bảo đảm cho bị can, bị cáo được tại ngoại thay cho biện pháp tạm giam là bổ sung phù hợp với thực tế pháp lý. Các nhà giam, nhà tạm giam sẽ bớt quá tải, giảm án oan sai.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra hành lang pháp lý cụ thể, nếu nghi can được tại ngoại vượt qua sẽ phải chịu chế tài.
Bị can, bị cáo sẽ phải qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng, thận trọng. Họ phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Nếu thực hiện không đúng cam đoan thì họ sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Nếu bị can, bị cáo cố tình vi phạm chắc chắn bản án mà họ nhận được sẽ nghiêm khắc bởi nhân thân là một trong những yếu tố khi lượng hình. Ngược lại, nếu bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì VKSND, tòa án có trách nhiệm trả lại số tiền đã đặt.