Rất nhiều người trong chúng ta đắt ra những mục tiêu về tài chính để có động lực tiết kiệm tiền. Mua một chiếc xe, sắm cái nhà hay làm vài ba con điện thoại... đúng không?
Mọi thứ đều phải bắt đầu từ mong muốn, ý tưởng mới trở thành hiện thực được. Thế nhưng, sẽ có lúc bạn nhận ra rằng mình chẳng thể nào làm được điều đó và đã tiết kiệm hẳn 3 ngày rồi mà vẫn chưa mua được ô tô.
Tại sao tiết kiệm hẳn 3 ngày rồi mà vẫn chưa mua được ô tô?
Bạn biết sao không? Bạn đã tiết kiệm sai cách rồi.
Mỗi khi muốn tiết kiệm, chúng ta thường nghĩ tới bức tranh rất lớn, rất đẹp. Dạng như sau khi có tiền ta sẽ có nhà to như này, xe xịn như này và lắm đồ đạc như kia... Chúng ta tập trung quá nhiều vào kết quả mà quên mất quá trình.
Tập trung quá nhiều vào kết quả, chúng ta quên mất đi quá trình.
Thế rồi, chuyện tiết kiệm đổ vỡ sau vài ngày vì bạn dần nhận ra rằng nó qua xa với thực tế, bạn phải chắt bóp chục năm trời mới may ra có được căn nhà còn chưa kể đến tiền mua xe.
Và rồi... vứt, vứt hết, chẳng tiết kiệm gì nữa, khoản tiết kiệm tan biến.
Tất nhiên, bản chất của tiết kiệm là hành động để chuẩn bị cho tương lai, chuẩn bị cho những thứ chúng ta sẽ sở hữu sau này. Mặc dù vậy, để tiết kiệm được và có được những thứ kia bạn phải tiết kiệm mà không nghĩ tới tương lai, không nghĩ tới bức tranh vĩ đại mình vẽ ra ngày nào.
Tới đây, chắc bạn sẽ thắc mắc: "Thế mục tiêu ở đâu? Cứ tiết kiệm để đấy không làm gì thì sao còn động lực?".
Một thử nghiệm cách đây khá lâu rồi với 2 nhóm người, họ đều phải tiết kiệm. Thế nhưng một nhóm được giao nhiệm vụ tiết kiệm để mua vật phẩm nhất định trong tương lai trong khi nhóm còn lại được giao nhiệm vụ cứ tiết kiệm thôi mà chẳng để làm gì cả.
Kết quả chắc không mấy bất ngờ, nhóm tiết kiệm mông lung không mục đích cuối cùng để dành được nhiều hơn 78% so với nhóm có mục đích cụ thể.
Chính vì lý do đó, những người tiết kiệm không mục đích có thể thỏa mãn nhu cầu bản thân khi cần vì họ có khả năng tài chính trong khi những người đặt ra mục đích tiết kiệm thì thường đứt gánh giữa đường.
Đại diện nhóm thử nghiệm trên cho rằng tiết kiệm tiền mua nhà mua xe cũng như chúng ta nhìn về phía chân trời rồi muốn đi tới đó vậy, ta có mục đích cụ thể, có quyết tâm nhưng những gì làm được quá nhỏ nên sẽ sớm nhận ra khó khăn và rồi nản chí.
Trong khi đó nếu không có mục đích, chúng ta cứ làm nó như bản năng thôi, tiết kiệm để đấy sau này làm gì thì làm.
Cái bẫy của sự tiết kiệm
Bẫy. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Nếu tập trung vào một mục tiêu cố định để tiết kiệm, bạn rơi vào 2 cãi bẫy và nó khá đau đớn. (Tất nhiên, bẫy mà)
Đầu tiên là quá tự tin vào khả năng bản thân.
Những người tiết kiệm không mục đích, họ sẽ làm nó ngay lập tức vì họ chẳng có vấn đề gì với chuyện tiết kiệm, nó trở thành bản năng. Trong khi những người tiết kiệm có mục đích cụ thể dễ gặp phải tình trạng "chảy" khi mà họ nghĩ rằng tháng này không tiết kiệm đi làm vài bữa cũng chẳng sao, bù thêm 1 tháng tiết kiệm sau này cũng được.
Lấy ví dụ như bạn muốn mua một cái iPhone X chẳng hạn và bạn cho mình 1 năm tiết kiệm để làm điều này.
Giả sử bạn sẽ có đủ tiền mua nó vào tháng 9 năm 2018. Thế nhưng, đây là khi cái bẫy bắt đầu hoạt động, chúng ta có xu hướng tự chiều bản thân mình, tới tháng sau có bộ quần áo đẹp quá, thôi mua luôn, đến tháng 10 năm 2018 có iPhone X cũng được... Cứ thế, cứ thế và rồi tới khi có iPhone XXXX rồi bạn vẫn chưa có đủ số tiền dự định ban đầu để mua iPhone X.
Nói cho vui thế thôi chứ đau đớn lắm, đừng tự chiều bản thân mình và đừng nghĩ đến iPhone X...
Tiếp theo, cái bẫy thứ 2 khá hài hước, nó chính là sự ảo tưởng về tiềm lực tài chính tương lai.
Ok, quay lại câu chuyện mua iPhone X, bạn nhận ra rằng trong quá trình 1 năm tiết kiệm bạn sẽ qua mốc thưởng Tết. Ờ, tự nhiên có thêm tí tiền, có khi đến tháng 8 năm 2018 đã mua được iPhone X rồi. Thế nhưng, có thưởng Tết rồi bạn lại bắt đầu nghĩ tới những thứ to lớn hơn, giả sử sang tháng được tăng lương hay ra đường nhặt được tờ vé số và rồi trúng 10 tỷ chẳng hạn...
Đó chính là những ảo tưởng về tiềm lực tài chính tương lai, chúng ta quá viển vông về những gì mình có thể làm được. Chính vì lý do đó, ta càng "chảy" hơn trong quá trình tiết kiệm của mình.
Thêm vào đó, sự ảo tưởng này còn có thể tới từ tư duy mua sắm, tiêu dùng. Lương 10 triệu tiết kiệm 5 tháng là có 50 triệu... Chúng ta có xu hướng quên đi nhu cầu của bản thân vì mục đích lớn, ta quên mất rằng hàng tháng ta phải trả tiền cho việc ăn uống, đi lại cũng như những nhu cầu cơ bản... Thế nên sau 5 tháng chắc chỉ tiết kiệm được 5 triệu thôi.
Vậy, làm thế nào để tiết kiệm cho đúng?
Có một cách rất phức tạp, đấy là cứ tiết kiệm thôi, theo công thức của một số chuyên gia tài chính thì từ 10 đến 20% thu nhập mỗi tháng đổ vào tiết kiệm, hàng tháng có lương cứ tự động trừ chẳng cần nghĩ mà cũng chẳng cần có mục tiêu.
Khó không? Tất nhiên là khó rồi vì có tiền trong tay mà không được tiêu thì chán lắm. Thế nên ta sẽ tiếp cận cách tiếp theo để việc tiết kiệm đơn giản hơn.
Đó là đặt ra mục tiêu ngắn hạn, cực ngắn hạn. Tháng này bạn có 10 triệu chẳng hạn, và sau quá trình tính toán trừ tiền quần áo, đi chơi với gấu hay cafe với mấy thằng bạn đểu, bạn chắc chắn rằng mình có thể để dành được 500.000 vào cuối tháng. Để thôi, bao nhiêu chẳng là tiền và cứ để lại được dù chỉ 1.000 cũng là tiết kiệm.
Thế nhưng, mấu chốt của vấn đề chính là xây dựng thói quen tiết kiệm, thứ lặp đi lặp lại khiến bạn thấy quen với nó. Một khi đã quen rồi, số tiền ban đầu có thể tăng lên và tích tiểu thành đại tới năm 70 tuổi chắc chắn đủ tiền mua iPhone X.