Đất Phật sinh Tiến sĩ, chốn Tiên xuất đại khoa

Trần Siêu |

Từ xa xưa, nhiều người đã coi Phật Tích là vùng đất thiêng sản sinh nhân tài tuấn kiệt.

Phật Tích được xem là vùng đất thiêng của Kinh Bắc xưa.

Phật Tích không chỉ là nơi đầu tiên xuất hiện đạo Phật, mà còn gắn với các huyền tích về tiên giáng trần. Bởi vậy, từ xa xưa nhiều người đã coi đây là vùng đất thiêng sản sinh nhân tài tuấn kiệt.

Xã Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) vốn thuộc tổng Thụ Triền, xứ Kinh Bắc. Sau nhiều lần tách nhập, Phật Tích vẫn giữ nguyên tên như thuở ban đầu, bởi liên quan đến đại danh lam Vạn Phúc tự mà dân gian vẫn hay gọi là chùa Phật Tích. Theo sử sách, chùa Phật Tích là nơi đầu tiên đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam.

Từ thế kỷ đầu sau Công nguyên, tại nơi chùa ngày nay diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ, sau đó hình thành trung tâm Phật giáo Dâu – Luy Lâu. Năm 820, nhiều cao tằng đã đến tu hành trên núi Phật Tích.

Vùng đất cổ gắn với huyền tích lạ

Năm 1041, vua Lý Thánh Tông bắt đầu cho xây dựng ở Phật Tích một số công trình lớn. Năm 1057, xây thêm một ngôi tháp cao 42m, bên trong đặt pho tượng A Di Đà. Cũng trong năm này, vua xây chùa và lấy tên là Vạn Phúc tự (chùa Phật Tích ngày nay). Từ đó, Phật Tích được biết đến như một đại danh lam.

Thời Trần, chùa Phật Tích cũng là danh tích thường được các vua Trần lui tới vãng cảnh, lễ phật, dự hội và đề thơ. Vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng cung Bảo Hòa và một thiền viện lớn ở Phật Tích. Vua Trần Nghệ Tông lại cho tổ chức cuộc thi Thái học sinh tại chùa. Đến thời Lê trung hưng, chùa Phật Tích được giới quý tộc cho trùng tu với quy mô lớn.

Chùa Phật Tích cũng là nơi tiếp nhận và giao hòa các dòng chảy văn hóa, từ truyện cổ dân gian của Phật giáo, Đạo giáo cho đến các huyền tích và huyền thoại mang đậm phong cách người Việt. Trên đỉnh núi Phật Tích hiện còn một khối đá vuông, mặt phẳng nhẵn, người ta cho rằng là bàn cờ tiên. Tương truyền, một hôm chàng tiều phu tên là Vương Chất lên núi đốn củi. Đến đỉnh núi thấy hai cô gái đang đánh cờ dưới gốc thông già, liền đứng xem.

Vương Chất say sưa đến nỗi sau khi cuộc cờ tan, hai cô gái bảo chàng: “Kìa, rìu mục mất rồi”. Vương Chất ngoảnh lại thì thấy chiếc rìu đã mục, và hai cô gái đã bay về trời. Vương Chất gánh củi về nhà thì mới biết thời gian đã trôi qua bảy đời, chẳng còn ai quen biết nữa.

Chùa Phật Tích cũng gắn với chuyện Từ Thức gặp tiên Giáng Hương. Rằng xưa kia, trên núi Phật Tích mọc bạt ngàn hoa mẫu đơn. Một ngày đầu xuân có thiếu nữ Giáng Hương đến chùa ngắm hoa. Nàng vô ý vịn gãy một cành mẫu đơn nên bị các chú tiểu phạt vạ. Vừa lúc đó Từ Thức đi qua trông thấy bèn cởi áo ngoài chuộc cho nàng. Sau, hai người thường gặp nhau ở chùa vào ngày mùng Một.

Một lần, Giáng Hương mời Từ Thức về nhà chơi. Nàng dẫn chàng đi qua khu rừng có nhiều hoa mẫu đơn dẫn đến hang đá bên sườn núi. Bước qua cửa hang, Từ Thức nhìn thấy lầu son, gác tía, tường gấm, bậc đá xanh… Lúc này Giáng Hương mới nói mình là tiên và hai người kết thành chồng vợ.

Dựa vào câu chuyện Từ Thức gặp tiên, cứ vào ngày 4 tháng Giêng hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội, tục gọi là “hội Khán hoa mẫu đơn”. Lễ hội khai mạc ngày mùng 3 Tết nhưng năm nào cũng vậy, du khách thập phương đã tấp nập đến dâng hương từ ngày mùng 1.

Cổng từ đường họ Ngô tại xã Bách Tính (Nam Trực, Nam Định).

Tiến sĩ hai lần vinh quy bái tổ

Ở Phật Tích không chỉ có hai huyền tích này, mà còn rất nhiều những câu chuyện huyền hoặc lạ lùng khác. Thế nên, nhiều nhà nghiên cứu không chỉ gọi Phật Tích là đất Phật, mà còn cho rằng đó là đất Tiên, đất Thánh.

Đã là đất thiêng thì ắt sinh nhân tài tuấn kiệt, và thực tế cho thấy không chỉ là đất Phật danh lam, mà Phật Tích còn là đất học, đất khoa bảng hiếm có của tổng Thụ Triền cũng như xứ Kinh Bắc.

Trong các nhà khoa bảng của Phật Tích, có Tiến sĩ rất đặc biệt là Ngô Trần Thực đỗ Đình nguyên Tiến sĩ. Truyện ký và sử sách đăng khoa đều ghi, Ngô Trần Thực sinh năm Nhâm Dần (1722), quê xã Phật Tích, huyện Tiên Du, trú quán ở xã Bách Tích, huyện Nam Chân (nay là thôn Bách Tích, xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định).

Ông thi đỗ giải Giải nguyên kỳ thi Hương, lại đỗ khoa Hoành Từ. Trước khi đi thi Ngô Trần Thực đã làm quan Thự tri phủ. Năm 39 tuổi ông đỗ thứ 4 kỳ thi Hội; vào thi Đình, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760), đời vua Lê Hiển Tông.

Khoa thi này triều đình lấy đỗ 5 đồng Tiến sĩ xuất thân, Ngô Trần Thực đứng thứ nhất. Trên ông không có ai đỗ hàng Tam khôi và Nhị giáp, thế nên ông được coi là Đình nguyên Tiến sĩ xuất thân. Sau đó Ngô Trần Thực được triều đình bổ quan đến chức Đông các Đại học sĩ, Thự Thiêm đô ngự sử.

Theo các nguồn sử đăng khoa, Ngô Trần Thực là vị Tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa bảng hai lần vinh quy bái tổ. Việc này cũng được gia phả họ Nguyễn Đức ở Phật Tích nhắc đến.

Gia phả chép rằng: Ngô Trần Thực sinh ra trong một gia đình nông dân hiếu học ở xã Bách Tính, huyện Nam Chân. Mồ côi bố từ nhỏ. Mẹ hiền đức đem con đến ở nhờ xã Phật Tích, huyện Tiên Du, làm mướn nuôi con.

Bấy giờ ông Nguyễn Đức Vĩ - Tiến sĩ người Phật Tích đang làm quan to trong triều, thấy Ngô Trần Thực tuổi trẻ chí cao, nên đã chu cấp cho bà mẹ đủ nuôi con ăn học. Sau lại đem con gái lớn là Nguyễn Thị Chuyên gả cho. Có giai thoại thú vị về ông như sau: Khi đến nhà Tiến sĩ Nguyễn Đức Vĩ nhập học, trong phòng khách có treo bức họa hai con chim khổng tước (chim công).

Để thử tài cậu học trò, cụ Thượng (Nguyễn Đức Vĩ) chỉ bức họa nói: “Hữu nhị khổng tước”, Ngô Trần Thực ứng khẩu luôn: “Hóa ngũ hoàng long”. Cụ Thượng thấy cậu học trò có chí dụng tâm học tập thành tài chứ không chịu bận bịu chuyện nữ nhi nên rất hài lòng nhận học.

Ngô Trần Thực văn hay chữ tốt, thi Hương đỗ đầu xứ Kinh Bắc. Vì chữ đẹp lại đỗ luôn khoa Hoành từ. Năm 37 tuổi đỗ Đình nguyên khoa Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21 (1760) triều Lê Hiển Tông.

Là người đỗ đầu, đáng lẽ Ngô Trần Thực sẽ được vinh phong Trạng nguyên, chí ít cũng là Hoàng giáp, nhưng ông chỉ được xếp vào hàng đồng Tiến sĩ, vì đã xảy ra một chuyện khó giải quyết, ấy là hai địa phương Phật Tích và Bách Tính cùng đem võng lọng đến đón Ngô Trần Thực vinh quy, không bên nào chịu nhường bên nào.

Sự việc đến tai chúa Trịnh. Chúa cho gọi Ngô Trần Thực và cả hai xã vào hỏi. Sau khi nắm rõ sự tình, ngài phán xử: Phật Tích tuy là nơi trú ngụ, nhưng ở đây Ngô Trần Thực được nuôi dạy, học hành, và từ đây làm giấy đoan bảo đăng ký dự thi, nên được đón quan tân khoa trước. Xã Bách Tính nơi ông Nghè chào đời phải đón sau vì “công cha sinh không bằng công mẹ dưỡng”.

Có lẽ khi dự thi, Ngô Trần Thực đã khai quê Phật Tích để thuận tiện, khỏi phải về quê xin xác nhận vì khó khăn tốn kém. Tuy nhiên, theo quy định thi bản thân Ngô Trần Thực kê khai lý lịch không đầy đủ, theo luật phải xóa tên trên bảng vàng.

Nhưng vì là người tài đức, thờ thầy học như cha đẻ, thế là đúng đạo tam cương (quân - sư - phụ) nên được chiếu cố, lấy đỗ đồng Tiến sĩ, đặc cách ban ơn cho vinh quy hai lần (về Phật Tích trước, về Bách Tính sau), làm gương tốt cho thiên hạ.

Trong thư tịch đều ghi Ngô Trần Thực quê Phật Tích, Tiên Du, nhưng ông cũng được coi là vị khai khoa của dòng họ Ngô xứ Nam. Họ này ngày càng thịnh vượng, về sau có nhiều người đỗ đạt, hai người con của ông là Ngô Hàn Hồng và Ngô Ngọc Sảng cũng đỗ Hương cống trong cùng một khoa thi.

Trong thời gian làm Thượng thư Công bộ, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vĩ từng kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa.

Ba đời nối nhau, bốn người đỗ đại khoa

Trước Ngô Trần Thực, ở Phật Tích đã xuất hiện những vị đại khoa lẫy lừng. Trong đó phải kể đến Tiến sĩ Nguyễn Đức Ánh (sinh năm 1675), đỗ đồng Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi (1715), đời vua Lê Dụ Tông. Ông làm quan tới chức Hình bộ Tả thị lang, lúc về trí sĩ rồi mất - được triều đình truy tặng Công bộ Thượng thư.

Ông cũng là thân sinh của Nguyễn Đức Vĩ. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” cũng xác nhận như sau: “…là cha của Nguyễn Đức Vĩ, ông nội Nguyễn Quỳnh, 41 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 11 (1715), đời Lê Dụ Tông làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang, về trí sĩ. Sau khi mất được tặng chức Công bộ Thượng thư, tước hầu”.

Sau ông chính là người con Nguyễn Đức Vĩ (1700 - 1775), thi đỗ đồng Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1727) đời vua Lê Dụ Tông, Bảo Thái thứ 8. Năm 1736 được triều đình bổ làm quan với chức Đông các hiệu thư. Nguyễn Đức Vĩ có tài văn học, được chúa Trịnh Giang yêu mến, thăng làm Hữu thị lang bộ Lại.

Thời Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, ông được thăng làm Bồi tụng, Thượng thư bộ Công, làm việc bộ Lại kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông được vào hầu vua trong điện Kinh diên, thăng tước Nghĩa Phương hầu.

Lúc đó ở Đàng Ngoài nhiễu loạn vì các cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Đức Vĩ giữ trọng trách, cùng các đại thần Lê Hữu Kiều, Nguyễn Quý Cảnh cùng làm Tể tướng, đồng tâm vạch kế sách, được chúa Trịnh Doanh rất coi trọng.

Năm 1764, tình hình Bắc Hà đã khá yên ổn. Ông về hưu vì đã 65 tuổi, được gia hàm Thiếu bảo. Ít lâu sau ông lại được mời ra, thăng làm Thượng thư bộ Binh nhưng vẫn làm việc cho bộ Lại và gia hàm Thái tử Thái phó.

Nguyễn Đức Vĩ là người thanh liêm, cẩn thận, làm quan trong triều được 18 năm, nhưng gia tài không có gì quý giá hơn những gia đình trung nông, nên ai cũng kính phục khen là liêm khiết. Năm 64 tuổi ông về trí sĩ tại quê nhà.

Được ít lâu thì chúa Trịnh Sâm lại cho mời ra làm quan tiếp và thăng cho chức Binh bộ Thượng thư. Ông qua đời vào tháng 7 năm Ất Mùi đời Cảnh Hưng 36 (1775) thọ 76 tuổi, được triều đình truy tặng Thái phó.

Sử gia Phan Huy Chú nhận định về ông: “Ông là người thanh bạch, cẩn thận, làm quan trải 18 năm, nhà không chứa của thừa, ai cũng phục là liêm khiết. Chúa Trịnh có biệt nhãn với ông”. Nguyễn Đức Vĩ là thân sinh của Tiến sĩ Nguyễn Tuân (Duân) đỗ năm 1778.

Nguyễn Duân (sinh năm 1736), đỗ đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, đời Cảnh Hưng thứ 39 (1778). Sau được triều đình bổ làm quan Hàn lâm viện thị chế, đốc đồng xứ Kinh Bắc, ông là anh con nhà bác của Tiến sĩ Nguyễn Quýnh. Gia phả họ ghi tên ông là Nguyễn Tuân, còn các tài liệu khoa bảng xưa nay ghi là Nguyễn Duân.

Nguyễn Quýnh (sinh năm 1734), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Bính Tuất (1766) niên hiệu Cảnh Hưng 27, cùng kỳ thi với danh sĩ Ngô Thì Sĩ đỗ Đệ nhị giáp (Đình nguyên). Sau đó, ông được triều đình bổ làm quan Hàn lâm viện thị thư Đốc đồng Tuyên Quang và mất ở đó. Trong gia phả họ Nguyễn có ghi: “Nguyễn Quýnh phụng gia ban tặng Hàn lâm viện thị giảng, phong tặng Đông các đại học sĩ”.

Nguyễn Quýnh là cháu nội của Nguyễn Đức Ánh, cháu họ gọi Nguyễn Đức Vĩ là chú ruột, em họ của Tiến sĩ Nguyễn Duân (con chú con bác). Như vậy, họ Nguyễn làng Phật Tích là gia tộc có truyền thống khoa bảng tiêu biểu - ba đời liên đăng Tiến sĩ với bốn đại khoa. Ngoài ra, dòng họ này cũng có nhiều người đỗ cử nhân, tú tài.

Họ Nguyễn làng Phật Tích còn bảo lưu được từ đường gia tộc, thờ tổ tiên và những nhà khoa bảng tiêu biểu của quê hương và đất nước. Công trình vốn được khởi dựng từ thời nhà Lê. Trong đó hiện còn lưu giữ được gia phả họ ghi bằng chữ Hán, một số đồ thờ tự quý như câu đối, đại tự, ngai thờ và đặc biệt là một án thờ bằng gỗ, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, truyền kể đó là kỷ vật thiêng liêng do triều đình nhà Lê ban tặng cho dòng họ khoa bảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại