Đất đắt hơn phố cổ
Sau khi HĐND TP Hà Nội chính thức thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên là 116,64 km2 và quy mô dân số hơn 300.000 người của địa phương. Thị trường bất động sản (BĐS) ở khu vực này được giới đầu tư nhận xét là có những diễn biến mới.
Khảo sát thực tế, so với Đông Anh cũng là huyện cùng lên quận của TP Hà Nội đợt này, số lượng biển rao bán nhà, đất ở Gia Lâm không nhiều. Đồng thời, lượng tin rao bán BĐS trên các sàn môi giới và diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội cũng không quá ồ ạt.
Tuy nhiên, theo dõi các chỉ số trên Batdongsan.com.vn thì mặt bằng giá bán đất ở Gia Lâm đang có mức chênh lệch lớn giữa các vị trí. Đáng chú ý nhất là ở khu vực chợ đầu mối Ninh Hiệp, giá nhà đất dao động từ 800 - 900 triệu đồng/m2. Thậm chí, có tiểu thương ra giá 1,2 – 1,3 tỷ đồng/m2 đối với kiot trong chợ - cao hơn cả mặt bằng đất phố cổ hiện nay (dao động từ 1- 1,1 tỷ đồng/m2 – PV).
Nhiều tiểu thương ra giá 1,2 – 1,3 tỷ đồng/m2 đối với kiot trong chợ đầu mối Ninh Hiệp (Gia Lâm) - cao hơn cả mặt bằng đất phố cổ hiện nay (dao động từ 1- 1,1 tỷ đồng/m2 – PV).
Còn các khu vực bán kính cách chợ Ninh Hiệp 1,5 – 2 km, đất trong thôn, ngõ cũng được ra giá trong khoảng 300 - 500 triệu đồng/m2. Chia sẻ với Tiền Phong, một tiểu thương kể, khoảng những năm 2018 -2019, nhiều người đã rao bán kiot rộng hơn 50m2 với giá 70 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ đồng/m2), ngang với giá mua 3 căn biệt thự thời điểm đó.
“Ninh Hiệp là chợ đầu mối quần áo lớn nhất cả nước, dân buôn tứ xứ đổ về hàng ngày nên nhiều vị trí giá đất cao hơn cả đất phố cổ là điều dễ hiểu. Tiểu thương trong chợ chủ yếu là người dân ở đây nên họ ít đầu cơ, vì thế cần thiết lắm mới rao bán thôi”, người này chia sẻ.
Một người khác thì cho biết, thị trường nhà, đất cho thuê khu vực chợ Ninh Hiệp luôn được săn lùng ráo riết. Cụ thể, không ít kiot trong chợ được tiểu thương ngăn nhỏ ra với bề ngang chỉ rộng 1 -1,6m nhưng giá cho thuê cũng rơi vào tầm 700 – 1 tỷ đồng/năm, kiot rộng hơn thì có giá cho thuê từ 2– 3 tỷ đồng/năm và hở ra là hết.
Không ít kiot trong chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) được tiểu thương ngăn nhỏ ra với bề ngang chỉ rộng 1 -1,6m nhưng giá cho thuê cũng rơi vào tầm 700 – 1 tỷ đồng/năm.
Tại các làng nghề truyền thống như Kiêu Kỵ, đất được rao bán khoảng 15 - 67 triệu đồng/m2; Bát Tràng 39 - 45 triệu đồng/m2; Đông Dư khoảng 22 - 80 triệu đồng/m2. Riêng khu vực thị trấn Trâu Quỳ, nơi có nhiều tuyến đường mới được đưa vào quy hoạch như Nguyễn Mậu Tài, Cửu Việt kéo dài đến đường gom Quốc lộ 5 hay Đoàn Quang Dung kéo dài, giá đất dao động trong khoảng 75 – 140 triệu đồng/m2.
Giá đất tăng nhẹ theo thời gian
Tiết lộ với Tiền Phong , một môi giới nhận định, thực tế từ năm 2019 đến nay, giá đất Gia lâm đã neo cao nên đến nay không có sự chênh lệch và biến động quá nhiều. Do đó, thông tin lên quận từ cuối tháng 9 đến nay không tác động sâu đến giá cả. Mặc dù số lượng tin rao bán nhà đất có tăng lên nhưng giao dịch thực cũng không có quá nhiều.
Bởi lẽ, về bản chất Gia Lâm là huyện ngoại thành, những khu vực phát triển vẫn chủ yếu xoay quanh các khu vực như thị trấn Trâu Quỳ, Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Khi lên quận, ngoài việc có thêm nhiều diện tích mặt nước, quy hoạch Gia Lâm không có nhiều thay đổi đáng chú ý khi hạ tầng hiện nay của huyện cơ bản đã hoàn thiện.
Mặc dù thị trường không quá biến động nhưng Gia Lâm vẫn có nhiều nội lực để phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn cho rằng mặc dù thị trường không quá biến động nhưng Gia Lâm vẫn có nhiều nội lực để phát triển trong tương lai nhờ hiệu ứng và tiềm năng phát triển của các tổ hợp khu đô thị, tòa nhà văn phòng và cơ sở giáo dục đang hình thành từ hệ sinh thái của các “ông lớn” BĐS. Do đó, giá đất vẫn sẽ tăng nhẹ theo thời gian...