Lầu Năm Góc chuẩn bị hoàn tất quá trình phát triển hệ thống tấn công mới mang tên LRHW Dark Eagle, hứa hẹn sẽ định hình lại trật tự của vũ khí siêu thanh.
Hệ thống này bao gồm một tên lửa đạn đạo hai tầng, có một tên lửa đẩy và một phương tiện lướt siêu thanh (C-HGB) có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 5. Các hệ thống phòng không truyền thống gần như bất lực với tốc độ này. Lầu Năm Góc tuyên bố rằng các nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống đã được chuyển giao cho Quân đội Mỹ vào năm 2021.
Các quan chức quân sự dự đoán rằng, hệ thống sẽ đạt được trạng thái sẵn sàng hoạt động hoàn toàn trong vòng một đến hai năm. Tuy nhiên, các mốc thời gian này đã bị trì hoãn trong quá khứ, để lại một số nghi ngờ về việc tuân thủ các mốc thời gian mới được dự kiến.
Một quyết định chiến lược đáng chú ý là việc Mỹ triển khai hệ thống Dark Eagle đầu tiên tại Đức, trong một khu vực phòng thủ tên lửa. Điều này cho thấy các chỉ huy Mỹ không chỉ tìm cách bảo vệ Dark Eagle khỏi các mối đe dọa từ trên không của Nga, mà còn thể hiện khả năng sẵn sàng hoạt động của hệ thống này.
Hạn chế của S-400, S-500
Liệu các hệ thống phòng không của Nga như S-400 và S-500, có thể chống lại được các vũ khí siêu thanh mới của Mỹ như Dark Eagle hay không, đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các nhà phân tích.
S-400 và S-500 được đánh giá là những hệ thống phòng thủ mạnh nhất trên thế giới, nhưng chúng vẫn có những hạn chế đáng kể khi đối phó với các mối đe dọa siêu thanh. Ưu điểm chính của Dark Eagle chắc chắn là tốc độ siêu thanh. Ở tốc độ từ Mach 5 đến Mach 7, một tên lửa như Dark Eagle nhanh hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống phòng không nào của Nga.
S-400 và S-500 được thiết kế để chống lại tên lửa và máy bay bay có tốc độ dưới Mach 5 chứ không các vật thể siêu thanh di chuyển với tốc độ cao hơn nhiều. Ngay cả S-500 cũng thiếu những công nghệ cần thiết để theo dõi và đánh chặn các tên lửa di chuyển ở tốc độ này.
Theo các chuyên gia quân sự, do không có cơ chế phản ứng thời gian thực hoàn chỉnh nên S-500 không thể đánh chặn hiệu quả các tên lửa siêu thanh như Dark Eagle, loại tên lửa có thể thay đổi đường bay giữa chừng.
Một trong những yếu tố chính cản trở hiệu quả của các hệ thống như S-400 và S-500 là nhu cầu xử lý dữ liệu radar và hướng tên lửa tới mục tiêu dựa trên quỹ đạo dự đoán. Trong khi Dark Eagle sử dụng công nghệ phương tiện lướt siêu thanh (C-HGB), cho phép nó cơ động linh hoạt trong khi bay, giảm đáng kể khả năng bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn.
Tên lửa Dark Eagle
Dark Eagle là hệ thống tên lửa siêu thanh thế hệ tiếp theo do Mỹ phát triển, nhằm tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu có giá trị cao nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương.
Cốt lõi của hệ thống Dark Eagle là tên lửa đạn đạo hai tầng, với cấu hình tăng tốc - lướt. Cấu hình này bao gồm một tên lửa đẩy thông thường và một phương tiện lướt siêu thanh (C-HGB).
Tốc độ chính là lợi thế chính của vũ khí này, vì vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp năm tốc độ âm thanh trở lên, khiến chúng cực kỳ khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống đánh chặn. Tầng đẩy của tên lửa sẽ đẩy phương tiện lướt lên độ cao cực lớn, trước khi tách ra và tiếp tục bay về phía mục tiêu.
C-HGB là một thành phần quan trọng của hệ thống Dark Eagle. Sau khi được phóng ra khỏi tên lửa đẩy, phương tiện này sẽ đi theo quỹ đạo siêu thanh, dựa vào khả năng điều khiển và điều chỉnh lộ trình giữa chuyến bay để tránh bị chặn. Không giống như tên lửa đạn đạo theo một quỹ đạo cố định, C-HGB có thể thay đổi đường đi theo thời gian thực để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc chống lại các hệ thống tiên tiến như S-400 và S-500 của Nga.
Dark Eagle là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm triển khai khả năng tấn công siêu thanh tầm xa. Mặc dù được phát triển để hoạt động kết hợp với các tài sản quân sự khác, nhưng nó cũng có thể hoạt động độc lập.
Tính linh hoạt này là một trong những điểm mạnh chính của hệ thống, cho phép Dark Eagle nhắm vào các tài sản có giá trị cao như trung tâm chỉ huy, cơ sở hạ tầng quan trọng, hệ thống phòng không và địa điểm phóng tên lửa trước khi lực lượng đối phương có cơ hội phản ứng.
Dark Eagle có thể phóng từ cả bệ di động trên mặt đất và từ các nền tảng vũ khí khác, chẳng hạn như tàu hoả hoặc tàu ngầm. Khả năng cơ động của hệ thống là một tính năng quan trọng, vì nó cho phép triển khai hệ thống nhanh chóng để ứng phó với các tình huống chiến thuật thay đổi.
Việc phát triển Dark Eagle cũng là một phần trong chương trình hiện đại hóa của Quân đội Mỹ. Nó được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là tài sản chủ chốt trong kho vũ khí của Quân đội Mỹ, cung cấp khả năng tấn công chính xác và nhanh chóng.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tiếp tục phát triển vũ khí siêu thanh, việc đầu tư vào các hệ thống như Dark Eagle sẽ giúp cho Mỹ giữ được lợi thế trong giai đoạn tiếp theo của chiến tranh hiện đại.
Về cơ bản, Dark Eagle đại diện cho sự thay đổi trong cách thức tiến hành các cuộc tấn công chiến lược trong tương lai, nhấn mạnh vào các hệ thống vũ khí nhanh, tốc độ cao và cực kỳ linh hoạt, có thể nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở tầm xa.
Việc triển khai Dark Eagle đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chiến tranh tên lửa, kỷ nguyên của tốc độ siêu thanh và khả năng cơ động nhằm phá vỡ các hệ thống phòng thủ truyền thống và thay đổi cán cân quyền lực trong chiến lược quân sự toàn cầu.
Quang Hưng