Sau khi quân đội Iraq giành được quyền kiểm soát Kirkuk, chính phủ Baghdad cho biết nền độc lập người Kurd "chỉ còn là dĩ vãng" và người dân nên để cuộc trưng cầu dân ý chìm trong quên lãng.
"Giờ thì vấn đề về cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc và trở thành chuyện đã qua," Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói trong cuộc họp báo tại Baghdad.
"Tôi đã chuyển tải thông điệp đến ban lãnh đạo của người Kurd rằng cuộc trưng cầu sẽ làm tổn hại lợi ích của họ trước tiên."
Cùng lúc đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết khoảng 61.000 người đã phải di tản khỏi miền bắc Kirkuk.
RT dẫn lời Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng Thư kí Liên Hợp Quốc cho biết: "Trong 48 giờ qua, Cơ quan Nhập cư LHQ đã thống kê được khoảng 61.000 người đã rời Kirkuk và các khu vực lân cận, hầu hết số dân thường này hướng tới vùng phía bắc và phía đông, tới Erbil và Suleimania. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức giúp đảm bảo an toàn cho người dân trên đường di tản."
Các thủ lĩnh Iraq và người Kurd đều kêu gọi "giải pháp hòa bình" cho mâu thuẫn hiện nay.
Tuy nhiên, trong khi Baghdad tuyên bố phủ nhận giá trị của cuộc trưng cầu dân ý, lãnh đạo người Kurd tại Iraq, ông Masoud Barzani lại cho rằng những nỗ lực vừa qua không phải là vô ích.
Ông Barzani phát biểu hôm 17/10: "Tiếng nói đòi quyền độc lập của người Kurd gửi tới tất cả các quốc gia trên thế giới là không vô nghĩa. Sớm hay muộn, một quốc gia người Kurd sẽ đạt được quyền lợi và mục tiêu tối cao."
Ông Barzani cũng nhắc tới sự chia rẽ trong nội bộ người Kurd. Đợt rút lui gần đây của lực lượng Peshmerga khỏi khu vực đang giao tranh "là hậu quả của quyết định đơn phương từ một vài cá nhân, vì nguyên do chính trị nội bộ người Kurd".
Theo ông Barzani, ông và các cộng sự "đang cố gắng hết sức để giữ gìn những thành tựu đạt được", kêu gọi sự đoàn kết giữa người Kurd và thúc giục "giải pháp hòa bình".
Quân Peshmerga trong cuộc giao tranh với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nguồn: Fox News
Trong cuộc giao tranh tại thành phố Kirkuk hồi đầu tuần, quân đội chính phủ Iraq đã chiếm lại thành công nhiều cơ sở hành chính và mỏ dầu quan trọng trong khu vực, vốn do người Kurd kiểm soát trước đó sau khi lực lượng của họ đẩy lùi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại đây.
Theo Reuters, khoảng 11 người đã thiệt mạng trong đợt tấn công.
Almasdar News ngày 18/10 cho biết nhiều dân thường di tản đã tìm cách trở lại. Một người nói: "Chúng tôi rời nhà lúc 3 giờ sáng tới Redar, rồi tới trưa lại di chuyển về Taqtaq. Chúng tôi qua đêm ở đây và thấy thông báo trên TV rằng Kirkuk đã yên bình trở lại. Do vậy, chúng tôi dự tính sẽ trở về. Hi vọng mọi chuyện đều ổn."
Một người dân khác nói: "Chúng tôi không sợ họ [lính Iraq]. Nếu tình hình trở nên căng thẳng, chúng tôi sẽ đánh trả. Nếu họ cưỡng ép hoặc tấn công, chúng tôi sẽ cầm súng, đứng lên và bảo vệ gia đình mình."