Đập nước nuốt gọn thành phố cổ 12.000 năm tuổi: Biểu tượng quyền lực và sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông

Xuân Hoài |

Đập nước Ilisu là một dự án ruột của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ với những cam kết về năng lượng xanh, phát triển kinh tế và nhất là thể hiện quyền lực.

Từ 12.000 năm nay, con người đã sinh sống ở thành phố Hasankeyf, ven bờ sông Tigris. Đầu tháng Ba vừa qua, ông Ulrich Eichelmann vào thành phố này qua những nhánh đường mòn, con đường chính đã bị cấm, thành phố vắng lặng không một bóng người.

Người dân rời đi, mang theo tất cả, ngay cả cánh cửa cũng được tháo xuống, chỉ để lại những căn nhà hoang. Nhà thờ Hồi giáo và nhà tắm công cộng cũng đã được chuyển đi từ lâu. "Ở đây không còn ai cả“, Eichelmann kể, "Chỉ còn mấy con mèo hoang thỉnh thoảng băng qua đường".

Theo Tạp chí WirtschaftsWoche (Đức), ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, thành cổ Hasankeyf đã biến mất, nó bị nuốt gọn và chìm nghỉm dưới lòng hồ. Trong những tuần qua mực nước không ngừng dâng ngày một cao hơn .

Đập nước nuốt gọn thành phố cổ 12.000 năm tuổi: Biểu tượng quyền lực và sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông - Ảnh 1.

23/6/2010: Cách đây 10 năm, sông Tigris còn uốn lượn băng qua những cánh đồng và thị xã Ilisu .

Đập nước Ilisu là một công trình đặc biệt sắp sửa được hoàn thành của chính phủ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đập cao 135m, dài trên 1,8 km. Khi hoàn thành, nhà máy thuỷ điện lắp tại đây sẽ có công suất lên tới 3.800 GWgiờ – hơn 3% sản lượng điện hiện nay của cả nước.

Đối với ông Erdogan, con đập này có ý nghĩa lớn hơn thế với những hứa hẹn về năng lượng xanh và là một sự thần kỳ về kinh tế của khu vực đông nam Aanatolia.

"Ngọn gió hoà bình, bác ái và thịnh vượng toả ra từ đập nước Ilisu sẽ thổi mãi trong hàng trăm năm tới", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu nhân dịp tổ máy thứ nhất đi vào hoạt động, theo báo Hürriyet. Từ mùa hè năm ngoái, nghĩa là sau khoảng 9 năm xây dựng, hồ chứa nước đã đầy nước, điều này cũng thấy rõ trên ảnh chụp từ vệ tinh.

Đập nước Ilisu cũng gây rất nhiều tranh cãi, không phải chỉ vì Hasankeyf. Hồ chứa nước này sẽ trải dài trên 135km. Khoảng 200 làng mạc và khu dân cư sẽ bị nhấn chìm dưới nước và khoảng 70.000 người phải chuyển đi nơi khác để sinh sống, theo Eichelmann. Một bộ phận người dân sẽ định cư tại Hasankeyf mới. Thành phố này, theo nhà hoạt động Eichelmann, nhà nào cũng như nhà nào, như là bản sao của nhau: "Trông không khác gì một trại lính".

Đập nước nuốt gọn thành phố cổ 12.000 năm tuổi: Biểu tượng quyền lực và sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông - Ảnh 2.

6/6/2015: Thổ Nhĩ Kỳ tự trang trải dự án khổng lồ này.

Thành phố mới được xây dựng trên triền núi phía nam, nền đá khô cằn. Cho đến nay, người dân ở Hasankeyf vốn sống bằng nghề đánh bắt cá và làm nông nghiệp nhưng ở Hasankeyf mới, họ khó có thể dựa vào những nghề này để sinh kế, Eichelmann lo ngại.

Ở vùng ngoại ô mới của thành phố có công viên lịch sử, tại đây một nhà thờ Hồi giáo cổ kính hàng trăm năm tuổi, nhà tắm công cộng và di tích lịch sử đã được xây dựng lại. Nhưng các di tích lịch sử khác thì vĩnh viễn không còn nữa, Eichelmann kể.

Ngay từ khi bắt đầu xúc tiến dự án đập Ilisu, các tổ chức quốc tế đã phê phán Thổ Nhĩ Kỳ thiếu nỗ lực trong việc duy trì, bảo vệ các di sản văn hoá và môi trường. Một số nhà tài trợ quốc tế đã nhiều lần rút lại sự hỗ trợ của họ vì theo quan điểm của họ, Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Trải qua một thời gian trì hoãn, cho đến 5 năm trước, những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy con đập đã sừng sững hiện lên. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tự đầu tư xây dựng công trình này với tổng chi phí lên tới khoảng 1,3 tỷ Euro.

Đối với Tổng thống Erdogan, đây là một dự án đầu tư có ý nghĩa về địa chính trị. Nước nào kiểm soát con đập này, nước đó sẽ quản lý dòng sông Tigris. Con sông này chạy một đoạn vài km qua biên giới Syria, sau đó đổ vào lãnh thổ Iraq.

Do đó người dân ở thủ đô Baghdad đã phản đối con đập này, chính phủ Iraq từng thương lượng với Thổ Nhĩ Kỳ về lượng nước tối thiểu chảy qua con sông này. Tuy nhiên có nhiều nghi ngờ về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện yêu cầu này và liệu lượng nước đó có đáp ứng nhu cầu hay không?. "Thổ Nhĩ Kỳ cầm vòi nước trong tay và có thể đóng mở tuỳ thích", Eichelmann nói.

Đập nước Ilisu cũng không phải là dự án cuối cùng nằm trong kế hoạch của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ năm 2002, chính phủ nước này đã tiến hành xây dựng trên 850 đập nước, theo báo Hürriyet. Hàng nghìn công trình nữa sẽ được xây dựng ven bờ Biển Đen cũng như ở khu vực Anatolia.

Một dự án khổng lồ đang nằm trong dự kiến của chính phủ ở gần thành phố Cizre, ven bờ biển Syria. Thành phố này ở ven sông Euphrates, con sông này chảy từ Cizre qua Syria và Iraq, trước khi đổ vào Vịnh Ba Tư để hoà vào dòng Tigris.

Nếu dự án đập nước Cizre trở thành hiện thực thì Iraq sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn vì thiếu nước, Eichelmann cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại