Hơn 20 năm đã trôi qua, kể từ ngày biến cố ấy xảy ra. Đào Vân Anh không muốn nhắc lại chuyện cũ, phần vì ngại người ta nghĩ mình còn sầu hận, phần vì đó là vết thương lòng quá lớn khi Vân Anh mới chân ướt chân ráo bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Dẫu đã muốn vùi chôn quá khứ nhưng cũng chính trong lúc hoạn nạn ấy, Vân Anh nhận được ân tình của hai người đồng nghiệp lớn.
Đó là lý do duy nhất để chị đồng ý kể lại biến cố năm xưa như một cách tri ân những người ơn của mình lúc mọi cánh cửa tưởng chừng đã đóng chặt!
Diễn viên Đào Vân Anh.
Lời hứa với cha...
"Mặc dù từ cấp 2, tôi đã là thành viên nòng cốt đội văn nghệ ở trường và đội Dân ca Nhà thiếu nhi quận 11 nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ thành diễn viên.
Tôi đến với nghệ thuật hoàn toàn ngẫu nhiên nhờ sự chỉ dẫn của một người chị tên Thu Lan. Chính chị Lan khuyên tôi nên thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM.
Tôi trượt trường Sân khấu nhưng lại đỗ thủ khoa lớp Diễn viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật khóa diễn viên chuyên nghiệp đầu tiên. Năm đó tôi 15 tuổi.
Ba tôi không đồng ý cho con gái theo nghệ thuật. Ông nói "Làm nghệ sĩ mà không nổi tiếng thì không phải nghệ sĩ. Mà muốn nổi tiếng thì ngoài tài năng còn cần may mắn, quen biết. Tài năng con có thể nỗ lực để có nhưng may mắn, con tìm đâu ra. Nhà mình lại không quen biết ai trong nghề để nâng đỡ, giới thiệu, chỉ dẫn cho con".
Tôi khóc rất nhiều. Tôi hứa với ông, mình sẽ học tốt cả văn hóa cũng như lớp diễn viên. Con sẽ đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, con sẽ làm được, con sẽ chứng minh cho ba thấy là con đúng và con sẽ tạo được vị trí trong nghề...
Sau nhiều ngày suy nghĩ, ba tôi đồng ý!
Vậy là trong khi các bạn khác lân la qua trường Nghệ thuật Sân khấu 2 để kết bạn, gặp những người nổi tiếng, hăng hái đi casting phim tìm cơ hội làm nghề thì tôi đến thời gian học cũng không đủ. Tối ngày, tôi chui đầu vào học nên tháng nào cũng được nhận học bổng.
18 tuổi, tôi cùng lúc tốt nghiệp trung học phổ thông và khóa diễn viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật với bằng loại giỏi.
Lúc đó em trai chị Thu Lan là biên đạo múa Phương Lịch vừa học từ Nga về. Anh Phương Lịch muốn lập nhóm nhảy đi biểu diễn chuyên nghiệp. Tôi được giới thiệu và trở thành một trong 6 thành viên đầu tiên của nhóm nhảy ABC.
Sau một năm hoạt động trong nhóm nhảy ABC, cũng chính chị Thu Lan "xúi" tôi nộp đơn vào Đoàn Kịch nói Thành phố. Thời điểm đó, thầy Trần Ngọc Giàu là trưởng đoàn. Tôi may mắn được thầy nhận về đoàn. Thầy rất thương và tạo cho tôi nhiều cơ hội làm nghề.
Tôi còn nhớ, vừa về sân khấu được 1 tháng thì chị Trịnh Kim Chi đi nước ngoài, tôi được giao thế vai Hành của chị trong vở "Vụ án trộm trứng gà", đóng chung với anh Lê Công Tuấn Anh.
Tôi chưa bao giờ nói lời biết ơn với thầy Trần Ngọc Giàu nhưng câu nói đó luôn ở trong lòng tôi suốt mấy chục năm qua. Thầy Giàu là người đã cho tôi cơ hội chạm ngõ với sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên, tiếc rằng thời gian thầy trò gắn bó với nhau không nhiều!
Biến cố tuổi 20...
Trong thời gian làm việc ở Đoàn Kịch nói Thành phố, tôi gặp sự cố về cuộc sống riêng và phải rời đoàn. Đó là chuyện tôi với anh Lê Công Tuấn Anh. Tôi lên gặp thầy xin nghỉ và thầy đồng ý ngay. Chắc thầy nghĩ, cần phải làm vậy để mọi thứ được yên!
Đoàn Kịch nói Thành phố là cái nôi đầu tiên của tôi trong con đường nghệ thuật chuyên nghiệp vậy mà tôi bị ngã khi chưa kịp đứng. Buồn nhất là không phải mình ngã vì nghề mà vì chuyện tình cảm riêng tư.
Lúc đó tôi bị một cú sốc lớn. Tôi nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Với một con bé 20 tuổi, biến cố đó quá kinh khủng. Suốt ngày tôi ru rú ở nhà, không dám ra đường, cũng không dám gặp ai.
Thời điểm đó còn dùng máy nhắn tin chứ chưa có điện thoại. Mỗi lần có tin nhắn tới là tôi sợ không dám đọc. Bạn bè đồng nghiệp nhắn tin hỏi thăm rất nhiều. Nhưng tôi buồn còn vì mình đã không giữ được lời hứa với ba.
Ba tôi không hề biết chuyện, chỉ có mẹ và các chị biết. Mọi người đều cố gắng không cho ba biết vì ba rất nghiêm khắc. Nếu để ba biết tôi bị như vậy, tôi còn chết nữa. Tôi chỉ nghĩ được rằng, mình cứ che chắn được gì thì che chắn. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó và cũng không định hình được gì hết.
Thực sự, ngay cả ở trong nhà mình mà tôi cũng phải trốn chui trốn lủi. Ba tôi rất hay hỏi "hôm nay con không đi đâu hả", "con có vai diễn không", "công việc ở đoàn thế nào". Tôi sợ và không biết phải trả lời ông như thế nào...
Ba tôi có thói quen khi đi làm về thường lên phòng nghỉ. Phòng ông ở trên lầu. Thế nên mỗi lần ba về là tôi trốn vào toilet để ba không biết mình đang ở nhà. Nghe tiếng bước chân ông lên lầu, tôi mới đi ra.
Cũng có lúc canh giờ ba chuẩn bị về, tôi lấy xe chạy ra chợ, đi lòng vòng. Khi biết chắc ba đã ở nhà, tôi mới giả bộ như mình vừa đi diễn về.
Tôi tìm đủ mọi cách để thăm dò lịch của ông. Có những khi ba về bất ngờ, tôi trốn không kịp. Ba hỏi thì kêu đau đầu nên nghỉ ở nhà hoặc giả bộ lấy sách ra đọc. Đặc biệt, ba tôi rất thích con cái đọc sách. Chỉ cần thấy con đọc sách là ba không bao giờ hỏi.
Ân nhân...
Tôi cố gắng vượt qua bằng cách tự an ủi mình rằng, "mình chưa kịp có gì trong nghề, buông cũng không sao". Thế nhưng đúng lúc tôi chuẩn bị được tâm lý đó thì cơ hội đến...
Anh Trọng Hải cực kỳ thân với anh Lê Công và biết câu chuyện của tôi với anh Công nằm ở đâu nên tôi không phải giải thích gì nhiều.
Anh Trọng Hải là người biết chuyện, hiểu chuyện và không nói ra nói vào. Cho đến giờ phút này, anh em tôi vẫn chơi thân với nhau. Qua cách đối xử của anh Trọng Hải, tôi biết anh ấy coi mình như một đứa em gái.
Lần đó, nhà anh Trọng Hải có tiệc giỗ, anh mời tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ khác tới nhà. Trong bữa tiệc đó có đạo diễn Châu Huế. Tôi nghe tên chú Châu Huế đã lâu nhưng hôm đó là lần gặp mặt đầu tiên.
Anh Trọng Hải giới thiệu tôi với chú. "Con bé này là diễn viên Đoàn Kịch nói Thành phố, giờ nó làm tự do. Chú xem có vai diễn nào hỗ trợ cho nó làm".
Lúc đó, chú Châu Huế chuẩn bị làm phim truyền hình dài tập "Bình minh Châu thổ" và đang tìm người. Chú mời tôi vào vai thứ chính đóng chung với chị Mỹ Duyên.
Đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Khi tôi tưởng như mình đã hết đường làm nghề thì lại có cơ hội mới.
Dù vậy, tôi vẫn băn khoăn. Khán giả không ai biết chuyện của tôi với anh Lê Công nhưng đồng nghiệp ai cũng biết. Đó là áp lực lớn nhất. Mà đi làm nghề nghĩa là mình toàn gặp người trong nghề nên tôi rất sợ.
Tôi vừa muốn từ bỏ nhưng lại vừa muốn nắm bắt cơ hội này để giữ lời hứa với ba và tôi cũng muốn khẳng định cho mọi người biết, mình thực sự đam mê nghệ thuật và có năng lực. Vậy là tôi nhận lời.
Khi đi làm phim tôi mới biết, trong suốt thời gian qua, tôi đã tự tạo thêm vực thẳm cho mình!
Tôi những tưởng mọi người sẽ nhìn tôi bằng con mắt khủng khiếp lắm. Họ sẽ coi thường mình... nhưng hóa ra không phải vậy.
Những người biết chuyện thực sự rất ít, chủ yếu là người bên lĩnh vực sân khấu và người mẫu... Còn ở lãnh địa của điện ảnh, phim truyền hình... mọi người không biết tôi là ai. Con số người biết quá nhỏ so với tưởng tượng của tôi.
Mọi người rất hồn nhiên, vô tư. Không ai nói gì cả, thậm chí họ còn rất thương và nể tôi. Có lẽ vì tôi là nhân tố mới lại được đạo diễn mời đóng thứ chính cùng chị Mỹ Duyên. Lúc đó chị Mỹ Duyên nhận nhiều giải rồi.
Tôi gần như gạt hết mọi buồn phiền, tự ti sang một bên và tập trung cho vai diễn. Bởi lẽ, tôi có đi tiếp được với nghề hay không là nhờ vai diễn này. Nếu vai không đạt, tôi sẽ mất hết. May mắn là mọi thứ rất nhẹ nhàng.
Đạo diễn Châu Huế lúc sinh thời.
Sau đó, tôi được mời đóng "Con nhà nghèo" của đạo diễn Hồ Ngọc Xum. Dù không phải nữ chính nhưng vai diễn đó được rất nhiều người thích. Và các cơ hội, các vai diễn trên điện ảnh cứ thế mở ra, đưa tôi trở lại con đường nghệ thuật cho tới ngày hôm nay.
Cho đến giờ phút này, tôi vẫn luôn đặt đạo đức của một người diễn viên lên hàng đầu. Luôn đúng giờ giấc. Dù làm nghề mấy chục năm nhưng tôi chưa bao giờ chủ quan. Trước khi ra phim trường, tôi luôn chuẩn bị kỹ tâm lý cho từng vai diễn mà mình nhận.
Còn trong biến cố đó, người tôi ơn nhất là anh Trọng Hải và chú Châu Huế. Nếu không có họ, chắc chắn không có Đào Vân Anh của ngày hôm nay".
* Ghi theo lời kể của diễn viên Đào Vân Anh.